HTT: Trong vài ngày qua, có nhiều chỉ dấu cho thấy phía Nga bắt đầu nhượng bộ, bằng chứng là hôm nay, phía Nga tuyên bố phải giảm quân số mạnh mẽ tại khu vực gần thủ đô Kyiv, trong lúc chuyển quân sang miền Đông để thực hiện chiến dịch gọi là “giải phóng” vùng ly khai thân Nga thuộc Ukraine. Tuyên bố rút quân mới nhất ra khỏi vành đai thủ đô Kyiv do ông Thứ trưởng quốc phòng Nga Alexander Fomin đưa ra, cùng lúc Nga và Ukraine hoàn tất vòng đàm phán mới nhất ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong lần đàm phán này, mặc dù chưa đạt được điểm đồng thuận nào, nhưng phía Nga cho biết, ít nhất, cuộc đàm phán đang vào giai đoạn có thể thực hiện được.
Phía Nga vẫn còn giữ các yêu sách đưa ra trước đây, bao gồm Ukraine phải ở thế trung lập và không có sự hiện diện của quân đội nước ngoài. Ukraine phải công nhận bán đảo Crimea thuộc và nước Nga. Ukraine phải cho phép thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý ở vùng Donbass, để liệu xem, người dân trong khu vực này muốn ngả theo ai. Về phía Ukraine, họ đồng ý sẽ trở thành quốc gia trung lập, nhưng vẫn cần phải qua một cuộc trưng cầu dân ý. Ukraine muốn Nga phải bảo đảm trên văn bản, về an ninh cho Ukraine, và Ukraine được sự hỗ trợ từ bên ngoài nếu như Nga vi phạm thỏa thuận. Ngoài ra Ukraine không thể nhường bất cứ phần đất nào cho Nga, bao gồm Crimea và Donbass. Vì không đạt được sự đồng thuận nào từ những yêu sách do Nga đưa ra, cuộc đàm phán hôm nay, một lần nữa thất bại.
Tuy nhiên về mặt quân sự, rõ ràng là phía Nga bắt đầu nhận thức được sự thất bại hoàn toàn khi tìm cách xâm lược Ukraine vì tham vọng tốc chiến tốc thắng, giờ đây, sau 1 tháng trời hao tổn, Nga không chiếm được thành phố nào trọng điểm.
Để biện minh cho việc rút quân, ông thứ trưởng quốc phòng cho rằng, việc quân Nga giảm thiểu hoạt động quân sự vành đai thủ đô Kiev và thành phố Chernihiv, nhằm gầy dựng sự tin tưởng hai bên, để tạo ra điều kiện cho các cuộc đàm phán xa hơn trong tương lai.
Trên thực tế, quân Nga không rút quân không được, bởi vì sự hao tốn ngân sách khổng lồ cho chính phủ, trong lúc ở nhà, đang đương đầu với lệnh cấm vận nặng nề chưa từng có. Chính phủ Nga hôm nay tuyên bố, họ muốn Châu âu mua dầu hay khí đốt phải trả bằng đồng Ruble. Đây là nỗ lực của ngân hàng Nga nhằm tìm cách đẩy giá trị của đồng Ruble lên trở lại, sau khi đã giảm hơn 50% từ ngày đầu của cuộc chiến. Thế nhưng phía Châu âu hoàn toàn bác bỏ yêu cầu này, lý do, hợp đồng mua dầu được ký kết giữa Châu âu và Nga là bằng tiền đô la, không phải bằng đồng Ruble. Việc Nga tự tiện thay đổi nội dung bản hợp đồng, hoàn toàn đi ngược với luật pháp và nếu muốn, Nga sẽ bị kiện ra tòa án mậu dịch. Trong thời gian này, Nga vẫn phải nhận tiền đô la, nhưng được bỏ vào trong tài khoản trung gian, cho đến khi lệnh cấm vận chấm dứt.
Đến hôm nay sau 35 ngày giao tranh, các chuyên gia quân sự cho biết, Putin đã nhìn thấy sự thất bại rõ nét hơn, và không còn con đường nào khác hơn là phải ngồi xuống bàn đàm phán, ít nhất cũng gỡ gạc lại mặt mũi, mặc dù tình hình đất nước Nga sẽ rơi vào cuộc suy thoái như thời kỳ liên bang sô viết. Mặc dù Putin hiện vẫn còn là mối đe dọa cho Ukraine và quốc tế, nhưng về lâu về dài, khi Nga không còn đủ khả năng về kinh tế, thì vị thế của Putin không còn giá trị trước chính trường quốc tế.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV