Menu

Phim Nhật thuật lại đời sống cay nghiệt của phụ nữ lao động Việt (xem Video)

Tại liên hoan điện ảnh Châu Á tổ chức tại thành phố Vesoul của Pháp, khán giả đã hưởng ứng mạnh mẽ với một cuốn phim với đạo diễn Nhật, lần đầu tiên đề cập đến thân phận người phụ nữ lao động, sống khó khăn và đương đầu với nhiều hoàn cảnh cay nghiệt trên đất Nhật. Cuốn phim mang tên “Along The Sea” hay Theo Biển, thuật lại hoàn cảnh của các nhân vật là phụ nữ Việt như Phương, Như và An. Cả 3 đều là phụ nữ Việt sang Nhật theo diện người lao động xuất cảng. Trong thời gian làm việc theo hợp đồng giữa công ty Nhật và công ty lao động Việt Nam, những phụ nữ này đã bị chủ bóc lột, chèn ép, phải làm việc đến 15 tiếng mỗi ngày, mà mà lương thì quá thấp không đủ sống, chưa kể đến chuyện các cô đã bị tịch thu sổ thông hành ngay khi vừa đến Nhật, vì chủ lo sợ các cô bỏ trốn. Thế nhưng vì bị áp lực làm việc quá sức, chịu không nổi, cả 3 quyết định bỏ công ty trốn đi nơi khác. 

Nhờ sự hỗ trợ của những người Việt khác đang sống trên đất Nhật, 3 cô gái tuổi đôi mươi đã được một công ty sản xuất cá bên bờ biển nhận vào làm việc. Mỗi ngày các cô phân loại và bỏ cá vào thùng cho một tàu cá ở vùng biển tuyết phủ ở miền bắc Nhật Bản. Tuy phải sống tạm bợ trong một nhà kho và công việc cũng khá nặng nhọc, nhưng so với công việc trước đó, vẫn đỡ bị hành hạ và áp lực hơn. Sau khi chi phí hàng tháng, cả 3 đều có dư chút đỉnh để gửi tiền về cho gia đình, đồng thời trả nợ để được ra nước ngoài lao động. 

Riêng cô Phương, có một mối tình trước khi sang Nhật, giờ đây đang mang thai, lại hay bị đau bụng thường xuyên. Vì sổ thông hành và giấy tờ tùy thân đã bị chủ trước lấy mất, dù đau đớn nhưng vì không có giấy tờ nên Phương không dám đến bệnh viện để được khám, và buộc phải bỏ ra nhiều tiền để làm thẻ bảo hiểm giả và thẻ căn cước giả.  Nhưng rồi những giấy tờ giả đó cũng không thể sử dụng được lâu, trong khi bào thai ngày càng lớn. Cuối cùng lo ngại cho sức khỏe và khả năng bị trục xuất khỏi nước Nhật, Phương đành phải uống thuốc để phá cái bào thai trong bụng. 

Phim Theo Biển, mặc dù chỉ nói về một hoàn cảnh từ những phụ nữ lao động Việt, nhưng trên thực tế, còn bao nhiều hoàn cảnh khó khăn khác mà những người lao động nữ phải gánh chịu. Đạo diễn Fujimoto cho biết, để thực hiện cuốn phim này, ông đã phải bỏ ra thời gian dài đi tìm hiểu và phỏng vấn những phụ nữ lao động Việt đang sống trên đất Nhật và đây là cuốn phim kể lại hoàn cảnh đời thật. Ngoài ra đoàn làm phim cũng tìm hiểu về hoạt động của những kẻ môi giới lao động bao gồm môi giới làm giấy tờ giả ở Nhật, phần đông đến từ các nhóm di dân sang Nhật lao động. 

Phim Along The Sea chưa chiếu ở Mỹ, nhưng đạo diễn Fujimoto mong mỏi sẽ được mọi người Việt đón nhật, đặc biệt là tại Nhật, cuốn phim đã có tác động đối với người dân Nhật, để họ hiểu thêm về hoàn cảnh của những người vì nghèo, phải tìm cách vào Nhật để kiếm tiền theo chương trình xuất cảng lao động từ Việt Nam với hy vọng nuôi sống bản thân và gửi tiền về cho người thân trong nước. Đây là cuốn phim đầu tiên của Nhật thuật lại hoàn cảnh của người di dân, mà cho đến nay, ít được quan tâm đối với người dân Nhật. Phim Along The Sea đã nhận được giải thưởng khích lệ từ giải liên hoan phim Châu Á ở Pháp. Mặc dù phim tập trung vào các phụ nữ Việt, nhưng qua đó, đạo diễn Fujimoto muốn gửi đi câu chuyện bi đát từ những người lao động theo diện xuất cảng từ nước ngoài vào Nhật từ nhiều năm qua. 

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV