Menu

Năm Cọp nói chuyện Cọp trong văn hóa dân gian (xem Video)

Trong văn hóa tín người của người Việt, con hổ hay được gọi là “ông ba mươi” là loài vật linh thiêng, biểu tượng của sự hùng cường, thể hiện sức mạnh vô song được người dân sùng bái thờ cúng tại một số đình chùa, miếu mạo.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tục thờ hổ bắt nguồn từ cuộc sống nguyên thủy, khi con người còn sống trong điều kiện săn bắt, hái lượm hoặc giai đoạn đầu của cuộc sống nông nghiệp thì lúc này hổ chính là sức mạnh thiên nhiên vừa gần gũi và cũng là tai họa đối với con người, chính vì vậy mà con người thờ hổ để cầu an.

Tại Việt Nam, những chiếc trống đồng Đông Sơn có cách đây khoảng 2500 đến 3000 năm tuổi, nhưng trên mặt trống đã xuất hiện hình con hổ. Điều này cho thấy, ý nghĩa hổ trong văn hoá Việt đã gắn bó hàng nghìn đời nay với sự trân trọng. Trong các di tích văn hoá Ðông Sơn khai quật được, đã xuất hiện rất nhiều tượng hổ như tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ, lăng vua Hiến Tông, hổ chạm ở bệ đá tại chùa Quế Dương (Hà Tây cũ) đến những con hổ đá thời Lê ở Nam Kinh (Thanh Hoá).

Trong văn hóa, hổ xếp hàng thứ ba trong mười hai chi, năm Dần mang cầm tinh cọp, là một hình tượng đa nghĩa vừa phức tạp trong tâm linh người Việt, vừa là ác thú, vừa là thần hộ mệnh, có hình hổ trấn giữ ở ngưỡng cửa là tà ma không dám xâm nhập.

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam con Hổ được gắn với tục thờ Mẫu. Dù ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam đều có tục lệ thờ Thần Hổ như một biểu tượng của con vật dũng mãnh, uy linh tượng trưng cho sức mạnh có khả năng trấn giữ cửa ải ngũ phương. Trên phương diện này hổ đã hoá thành vật linh thiêng với những cái tên trong huyền thoại dân gian thường gọi: Thần Hổ, Sơn quan thần Hổ, Lý nhĩ tướng quân, thần hộ vệ Thành Hoàng, chúa Sơn Lâm, ông Ba Mươi trong khi đó ở miền Nam Việt Nam còn có tên ông Cả Cọp, Thần Bạch Hổ…

Việc thờ thần Hổ giữ vị trí quan trọng trong điện thờ đạo Mẫu, thể hiện sự cân bằng giữa 2 miền thiên phủ – địa phủ, góp phần trấn an cho cửa điện. Trong điện thờ đạo Mẫu, ban thờ ngũ hổ đặt dưới điện thờ công đồng. Một số nơi tách riêng ban ngũ hổ như đền Mẫu Ba Cây (Sơn Tây), đền Mơ Táo (Hà Nội), đền Cửa Ông (Quảng Ninh), Bàn thờ Bạch hổ ở chùa Ông Bổn (Sóc Trăng)

Hội họa dân gian Việt Nam đã thần thánh hoá con hổ với trường phái tranh Hàng Trống (Hà Nội) chuyên vẽ tranh hổ (hoàng hổ, hắc hổ, bạch hổ, tứ hổ, ngũ hổ) để treo thờ với tư cách là những vị trấn giữ các phương trời đất. Bởi vậy, khi vẽ tranh hổ, người nghệ sĩ dân gian đã thể hiện đủ năm con hổ với 5 tư thế, và 5 màu sắc khác nhau. Tranh ngũ hổ trong dân gian còn gọi là tranh ông Năm Dinh. Đó là 5 vị thần tướng ngự trị năm phương trời.

Ngày nay, cả thế giới đã dành riêng một ngày để kỷ niệm về loài hổ đó là Ngày quốc tế về bảo tồn hổ (nhằm ngày 29 tháng 7 hàng năm) lần đầu tiên, ngày này đã diễn ra tại Việt Nam vào năm 2011, cũng là nơi tiêu diệt và tiêu thụ hổ nhiều nhất, nhất là nấu cao hổ cốt. Như một nhà nghiên cứu đã từng nhận định: “Tính cách con giáp của hổ là tính cách của một năm mạnh mẽ nhất về sức khỏe, sung mãn về làm ăn kinh tế, mở mang về học vấn và tính vượng”. Chắc vì thế mà một số người việt trong nước, nhất là những người có tiền và quyền để xem hổ là một loại thuốc bổ, đến độ, báo trong nước vào đầu năm nay đã có bài viết, nuôi hổ để bảo tồn hay nấu cao, để cho thấy Việt Nam ngày, dù được quốc tế nhắc nhở về việc bảo tồn thú quý hiếm và hoang dã nhưng nhà cầm quyền lại không có chính sách rõ ràng để bảo vệ loài hổ, vì thế vẫn xảy ra những vụ nấu cao hổ cốt để cung cấp cho thành phần giàu có và quyền lực trong nước.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV