Menu

Hậu quả về kinh tế toàn cầu nếu chiến tranh Ukrain và Nga xảy ra (xem Video)

HTT: TT Putin hôm nay ra tuyên bố qua kênh ngoại giao với thế giới rằng, Nga không muốn gây chiến tranh với Ukraine, nhưng vẫn chờ đợi kết quả các cuộc đàm phán sắp tới, có thỏa mãn được những yêu sách của Nga đưa ra hay không. Yêu sách này, bao gồm bảo đảm về an ninh cho Nga. Mặc dù Nga chưa gây chiến với Ukraine, nhưng không biết được, Putin sẽ có hành động gì kế tiếp, và liệu có hành động đánh phủ đầu hay không. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Nga chưa đánh Ukraine lúc này vì còn nể mặt người bạn Trung Quốc, khi Bắc Kinh chuẩn bị khai mạc thế vận hội mùa đông, mà Putin đã hứa sẽ tham dự. Vì thế mối căng thẳng này vẫn còn hiện hữu sau khi thế vận hội Bắc Kinh bế mạc. Nếu như chiến tranh xảy ra, ngoài hệ lụy về số nhân mạng giữa Nga và Ukraine gây ra do chiến tranh, nhưng hệ lụy về kinh tế, cũng là điểm mà các chuyên gia quan tâm.

Hiện nay, kinh tế toàn cầu còn đang gặp khó khăn vì đương đầu với đại dịch, nhất là lãnh vực du lịch và giải trí. Nếu chiến tranh Ukraine và Nga xảy ra, kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái vì gây ra lạm phát, nguồn cung cấp hàng hóa, giá cả mọi thứ đều sẽ tăng vọt. Mặc dù Nga và Ukraine chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất từ chiến tranh, nhưng các quốc gia trong vùng Châu  u, kể cả Hoa Kỳ cũng chịu ảnh hưởng chung. Các mặt hàng chủ yếu trong sản xuất như kim loại, dầu hỏa, khí đốt sẽ tăng vọt và gây ảnh hưởng đến giá cả chung trên toàn cầu.

Ukraine hiện là quốc gia xuất cảng bột mì và bắp lớn hàng thứ 4 trên toàn cầu, nếu chiến tranh xảy ra, nguồn thực phẩm quan trọng này để sản xuất nhiều thức ăn hàng ngày cho người dân Châu  u, Châu Á… sẽ khiến giá cả tăng đột biến. Vào năm ngoái không thôi, do ảnh hưởng của đại dịch, giá thực phẩm toàn cầu đã tăng 28,1%, và là mức tăng cao nhất cho cả một thập niên qua. Nếu chiến tranh xảy ra, giá thực phẩm chắc chắn sẽ còn cao hơn nữa, nhất là tại các quốc gia cần nhập cảng thực phẩm.

Hiện nay, các quốc gia trong vùng Trung Đông, Châu Phi đang mua bột mì và bắp từ Ukraine, và là nguồn hàng nhập cảng tối quan trọng cho người dân các quốc gia hồi giáo. Chiến tranh xảy ra, hàng hóa không xuất cảng được, sẽ gây nên tình trạng biến động xã hội vô cùng tai hại cho các quốc gia này.

Không chỉ Ukraine mà Nga cũng là quốc gia xuất hàng lương thực quan trọng cho vùng Trung Đông và Châu Phi, bao gồm các nước lớn như Iran, Sudan, Afghanistan, Ai Cập, nếu chiến tranh xảy ra, Nga sẽ không thể xuất tàu đi được và gây nên tác hại khôn lường về giá cả lương thực cho những quốc gia nhập cảng.

Các chuyên gia hiện nay cho biết, chỉ cần gây hại đến nguồn xuất cảng bột mì của Ukraine không thôi, là đủ tạo nên rủi ro về an ninh lương thực cho cả thế giới, bao gồm Trung Quốc, bạn hàng quan trọng của Ukraine và Nga. Thời tiết hiện vẫn còn mùa đông, lương thực đã đắt đỏ, chiến tranh xảy ra càng gây thêm khó khăn cho người dân. Không quốc gia nào muốn điều này xảy ra.

Trong năm 2020, phân nửa bột mì mà nước Lebanon tiêu thụ, đến từ Ukraine. Mã Lai, Nam Dương và Bangladesh, cũng mua hơn 20% bột mì từ Ukraine. Tại Egypt, năm 1977 từng xảy ra biểu tình trên đường phố dữ dội vì giá cả thực phẩm tăng cao. Năm nay, nếu chiến tranh xảy ra, chính phủ Ai Cập lo sợ, nguy cơ bất ổn xã hội sẽ bị lập lại. Hiện có đến 14 quốc gia lệ thuộc vào nguồn nhập cảng bột mì từ Ukraine có nguy cơ bất ổn xã hội nếu giá lương thực tăng đột biến.

Những nguồn hàng nhập cảng này chỉ nói riêng đến từ Ukraine, trong khi Nga hiện là quốc gia xuất cảng dầu, khí đốt, và ngũ cốc quan trọng cho thế giới, cũng bị ảnh hưởng chung và sẽ tạo ra một làn sóng thần cho nguồn cung cấp lương thực toàn cầu. Ngay cả Hoa Kỳ, mặc dù là quốc gia sản xuất lương thực hàng đầu thế giới, nhưng giá cả vì trao đổi trên thị trường chứng khoán chung toàn cầu, nên người dân Mỹ cũng nhìn thấy giá hàng hóa và lương thực tăng cao hơn cả thời đại dịch. Theo các chuyên gia kinh tế, mọi người trên toàn thế giới đều sẽ chịu mức ảnh hưởng tiêu cực chung nếu chiến tranh giữa Ukraine và Nga xảy ra.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV