Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 hôm nay trở thành vũ khí chính trị quan trọng trong tiến trình đàm phán giữa Hoa Kỳ với Nga, và tùy theo sự cân nhắc của TT Putin để liệu xem, Nga có nhường bước trước những yêu sách đưa ra với phương Tây hay không. Yêu sách của Nga đòi hỏi Nato không được thu nhận Ukraine làm thành viên, không được bành trước xa hơn nữa đến các quốc gia trong khối liên bang sô viết cũ. Lý do là Nga lo sợ, việc bành trướng này, nhất là khi thu nhận Ukraine làm thành viên, Nga sẽ khó lòng kiểm soát được đường biên giới phía Tây Nam, nếu xảy ra chiến tranh. TT Putin từ năm 2014, sau khi chiếm bán đảo Crimea đã tìm cách gây ảnh hưởng lên chính phủ Ukraine để hy vọng, Ukraine sẽ nghiêng về phía mình. Tuy nhiên do kinh nghiệm dưới thời làm thuộc địa của liên bang sô viết, người dân Ukraine từ khi chế độ cộng sản Đông u sụp đổ, đã quá chán ngán với phương cách cai trị của Nga, họ chỉ muốn được tự do dân chủ thực sự, và muốn có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Châu u và nhất là Hoa Kỳ.
Điều khó khăn cho Ukraine là các nỗ lực thân phương Tây và Hoa Kỳ này tiếp tục bị Nga chi phối, bằng cách tạo ra một cuộc chiến nội bộ ở vùng Donbass, nơi có lực lượng dân quân thân Nga, được sự hậu thuẫn của Putin để đòi ly khai. Thậm chí Nga còn toan tính phá hoại bầu cử ở Ukraine, rồi lập ra một chính phủ bù nhìn thân Nga, để phục vụ theo đường lối của Putin. Đó là lý do chính phủ Ukraine lo sợ, nếu một tỉnh ly khai, thì Nga sẽ chi phối thêm nhiều tỉnh khác muốn ly khai nữa, vì thế từ năm 2014 đến nay, quân đội Ukraine tiếp tục đụng độ với lực lượng thân Nga ở vùng Donbass và gây thiệt hại về nhân mạng trên 14 ngàn người cho cả hai phe. Putin ngày càng mất kiên nhẫn với Ukraine, nhất là ngày càng có nhiều nguy cơ Ukraine sẽ được Nato đệ nạp làm thành viên. Nếu Ukraine làm thành viên Nato, xem như Nga hoàn toàn mất đi cơ hội để đưa Ukraine về phía mình.
Hiện nay TT Putin phải cân nhắc 2 sự lựa chọn, một là để mất Ukraine nhưng giữ được đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Hai là thực hiện cuộc xâm lăng Ukraine và tin rằng, phía Nato và Hoa Kỳ sẽ không tham chiến với Nga. Tuy nhiên xâm lăng Ukraine, nếu thất bại, Nga sẽ mất tất cả, vì thế mặc dù ngoài mặt, Putin tỏ ra cứng rắn với những yêu sách của mình, nhưng nội bộ bên trong, có nhiều hoài nghi về khả năng Nga chiến thắng trong cuộc chiến với Ukraine.
Nếu Nga quyết định xâm lăng Ukraine, không có nghĩa Ukraine sẽ ngồi yên một chỗ cho Nga đánh chiếm, bằng chứng là trong 8 năm qua, lực lượng thân Nga và quân đội Ukraine đụng độ nhau mà bất phân thắng bại. Người Ukraine đang chống Nga sẽ ủng hộ chính phủ để một mất một còn với Nga, và có nhiều nguy cơ đây sẽ là một cuộc chiến lâu dài, và càng lâu thì Nga càng thiệt hại.
Nền kinh tế của Nga vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ lệnh cấm vận của Hoa Kỳ và phương tây từ cuộc chiến Crimea cho đến nay. Giờ đây, xa lầy vào cuộc chiến Ukraine, thiệt hại kinh tế và nhất là nhân mạng sẽ lên cao, càng gây ảnh hưởng tiêu cực đến úy tín của Putin và đưa kinh tế Nga rơi vào suy thoái. Hoa Kỳ và phương Tây đang viện trợ cho Ukraine mọi thứ, và nếu chiến tranh xảy ra, mặc dù không can dự trực tiếp vào chiến tranh, nhưng Hoa Kỳ sẽ gián tiếp hỗ trợ cho Ukraine kéo dài cuộc chiến này.
Putin có thể đưa ra những quyết định dựa trên cảm tính, nhất là sự ương ngạnh của y và dẫn đến thất bại, nhưng Putin cũng có thể tạo ra vấn đề Ukraine nhằm mục tiêu đưa quốc tế tập trung vào Nga, và gián tiếp củng cố vị thế của y trong tương lai.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV