Mỗi năm, tổ chức minh bạch quốc tế đều tìm hiểu về hoạt động chính trị và dân sự của mỗi quốc gia, từ đó, xếp hạng các quốc gia này dựa trên sự minh bạch trong hoạt động của chính phủ, bao gồm tình trạng tham nhũng, lạm quyền, biển thủ, tranh chấp chính trị, sau đó đưa ra danh sách bao gồm 180 quốc gia, dựa trên thang điểm từ 0 đến 100 điểm cho mỗi quốc gia, với 100 điểm là tốt nhất, nhưng không có quốc gia nào đạt được.
Theo bảng xếp hạng của năm 2021, Đan Mạch, Tân Tây Lan và Phần Lan xếp hạng cao nhất thế giới với 88 điểm. Trong khi đó South Sudan, một quốc gia thuộc vùng Châu Phi chỉ đạt được 11 điểm và xếp hạng chót.
Hoa Kỳ năm 2021 đã bị lọt khỏi danh sách 25 quốc gia có chỉ số minh bạch tốt nhất, nguyên nhân chính là do tình trạng tranh chấp chính trị, nhất là vấn đề kết quả cầu cử, khiến Hoa Kỳ mất điểm về uy tín dân chủ.
Sau 1 năm đương đầu với đại dịch, bản tường trình tìm thấy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không đạt được những cải thiện đáng kể để làm giảm tệ nạn tham nhũng, cửa quyền, không những trong năm qua, mà trong suốt 10 năm trời qua. Ngay cả những quốc gia có nền dân chủ tốt nhất, như Hoa Kỳ, cũng không củng cố được các vấn đề như nhân quyền, cân bằng quyền lực chính trị, qua đó làm giảm uy tín của cả hệ thống dân chủ. Còn các quốc gia nổi tiếng là tham nhũng, độc tài, phi dân chủ thì càng tệ hơn. Tổ chức minh bạch quốc tế đặc biệt đề cập đến việc chính phủ sử dụng nhu liệu Pegasus, để theo dõi các nhóm tranh đấu cho dân chủ, theo dõi phóng viên, chính trị gia trên toàn cầu. Trong 2 năm thế giới rơi vào đại dịch, nhiều quốc gia đã lợi dụng tình hình này để gia tăng đàn áp một cách có hệ thống, gây ảnh hưởng đến quyền tự do các nhân. Lạm dụng đại dịch để vượt quá quyền hạn của chính phủ trong nỗ lực tạo ra cân bằng quyền lực. Theo các chuyên gia trong tổ chức minh bạch quốc tế, ngay cả những quốc gia xếp hạng cao nhất ở Châu u, thì đại dịch cũng đã gây ảnh hưởng đến nỗ lực chống tham nhũng, cũng như kiểm soát về trách nhiệm, và sự minh bạch cần thiết của chính phủ.
Tại các quốc gia Châu Á, xếp hạng thấp về minh bạch, chính phủ cũng lợi dụng đại dịch để biện minh cho việc đàn áp tiếng nói đối lập, hoặc tiếng nói chỉ trích chính phủ. Nhà cầm quyền, chẳng hạn như Trung Quốc, sử dụng hệ thống theo dõi điện tử để kiềm chế và ngăn chặn quyền tự do của người dân.
Riêng nước Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử, đã lọt khỏi danh sách 25 quốc gia minh bạch nhất, giờ đây đã xếp hạng 27 với chỉ 67 điểm, vì lý do, hệ thống dân chủ của Hoa Kỳ bị phe chống đối tấn công, nhất là cuộc bầu cử TT năm 2020, mặc dù công bằng, nhưng lại bị chính phe thua cuộc không chấp nhận. Ngoài ra, phương cách ủng hộ tiền cho quỹ tranh cử cũng gây ảnh hưởng đến uy tín và sự minh bạch về dân chủ của nước Mỹ. Ngay cả Canada, nổi tiếng xưa nay về minh bạch, cũng rớt xuống hạng 13, vì có sự gia tăng về nguy cơ hỗi lộ, tham nhũng trong hoạt động kinh doanh.
Việt Nam được 39 điểm, nằm trong lằn ranh đỏ của tham nhũng, cửa quyền, nhưng vẫn còn cao hơn các quốc gia láng giềng như Lào, Cambodia, Thái Lan, Miến Điện, Philippines.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV