Menu

Động lực tranh đấu cho dân quyền của Mục Sư Martin Luther King Jr. (xem Video)

HTT:   Mục sư và nhà tranh đấu dân quyền Martin Luther King Jr. sinh ngày 15 tháng 1 năm 1929 và lớn lên trong thời kỳ đen tối của nước Mỹ liên quan đến những vụ kỳ thị người gốc phi châu. Nền tảng của sự kỳ thị này có từ thời lập quốc Hoa Kỳ, khi làn sóng người di dân từ Châu  u đến vùng Bắc Mỹ mang theo những người nô lệ phi châu. Dù cuộc nội chiến của Hoa Kỳ đã kết thúc vào thế kỷ thứ 18, và kết thúc tình trạng mua bán người nô lệ, nhưng mãi đến 2 trăm năm sau, những người gốc phi châu, với gốc tích nô lệ, vẫn tiếp tục đương đầu với tình trạng kỳ thị chủng tộc. Trước khi có những thành quả về dân quyền do ông Martin Luther King Jr. tranh đấu, nước Mỹ trong giai đoạn của thập niên 1950 tiếp tục chìm đắm trong tệ trạng của sự kỳ thị nhắm vào người gốc phi châu. Luật lệ Mỹ thời đó chỉ ngăn cấm mua bán nô lệ, nhưng không hề cấm kỳ thị, mặc dù hiến pháp Hoa Kỳ ghi rõ, mọi người dân Mỹ đều phải được đối xử bình đẳng. Vào thời kỳ đen tối này, người da đen không được sử dụng nhà vệ sinh chung với người da trắng, lên xe bus không được ngồi phía trước vì để dành cho người da trắng. Học sinh da đen không được học chung trường với người da trắng, và còn nhiều sự kỳ thị ghê ghớm khác nữa.

Martin Luther King Jr. lớn lên trong giai đoạn đen tối này và cá nhân ông là một trong những nạn nhân bị kỳ thị khi lên 6 tuổi, quen biết với mấy đứa bé da trắng, và đã bị gia đình ngăn cấm vì King là người da đen, và phải học lớp 1 trong trường riêng cho người da đen. Lớn lên và hiểu biết nhiều hơn, ông King được bố mẹ dạy cho biết về lịch sử và tình trạng kỳ thị chủng tộc như thế nào trong xã hội Mỹ. Có lúc ông đã từng thề rằng sẽ thù hận bất cứ những ai là người da trắng, nhưng nhờ lời khuyên răn của bố mẹ, vì là người theo thiên chúa giáo, trách vụ của người Kito là phải thương yêu mọi người. Mặc dù từ bỏ sự căm thù người gốc da trắng, nhưng những vụ kỳ thị người da đen nhắm vào ông, gia đình và những ai là người gốc da đen, đã được ông chứng kiến hầu như hàng ngày. Ảnh hưởng gia đình và nhà thờ, Martin Luther King Jr, phát triển khả năng diễn thuyết và năm 15 tuổi, ông đã đoạt giải về hùng biện, đặc biệt là bài diễn văn nhắm vào tình trạng kỳ thị. Trên đường về nhà cùng với thầy giáo sau khi đoạt giải, lúc lên xe bus, ông và thầy giáo đã bị người tài xế yêu cầu phải đứng lên, nhường chỗ cho người da trắng ngồi. Buổi tối hôm đó, ông đã viết, đây là thời khắc, chưa lúc nào mà ông cảm thấy căm giận như thế, và ông không bao giờ quên hình ảnh phải nhường chỗ ngồi cho người da trắng, đây cũng là thời điểm tạo dựng sự nghiệp tranh đấu cho dân quyền của ông về sau. Tại các tiểu bang bảo thủ miền Nam của nước Mỹ trong cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 có đạo luật mang tên Jim Crow, tạo ra cách biệt về quyền lợi giữa người da trắng và da đen. Người da đen được xem là công dân hạng hai và phải nhường mọi quyền lời cho người da trắng trước tiên.

Vào tháng 3 và tháng 12 năm 1955, hai vụ kỳ thị người da đen trên xe bus đã xảy ra, khi cả hai người phụ nữ gốc phi châu can đảm từ chối nhường ghế trên xe bus cho người da trắng và dẫn đến vụ biểu tình rầm rộ, mà người lãnh đạo không ai khác hơn là mục sư King. Khi tốt nghiệp trung học và vào đại học, ông quyết định theo thần học và trở thành mục sự cho đến khi ông bị ám sát. Vụ biểu tình chống kỳ thị kéo dài suốt 385 ngày, và qua đó, tên tuổi của mục sư King càng ngày càng được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ, bao gồm người da trắng, chống lại tình trạng kỳ thị chủng tộc. Ông trở thành phát ngôn viên của phong trào đòi dân quyền cho người gốc da đen, tuy nhiên trong nhiều năm tranh đấu, ông trở thành điểm tấn công của những kẻ da trắng kỳ thị chủng tộc. Vào tháng 4 năm 1968 trong lúc xuất hiện ở thành phố Memphis, tiểu bang Tennesse, chuẩn bị cuộc đình công hỗ trợ cho người gốc phi châu, ông đã bị James Earl Ray, bắn nhiều phát đạn, ông qua đời trong bệnh viện. Bác sĩ giảo nghiệm tử thi cho biết, mặc dù ông qua đời ở tuổi 38, nhưng tim của ông như người đã 60 tuổi, vì suốt 13 năm trời tranh đấu cho dân quyền, ông đã già đi trước tuổi. Vụ ám sát mục sư Martin Luther King Jr. đã trở thành dấu ấn trong lịch sử nước Mỹ và phong trào đòi quyền bình đẳng của người gốc phi châu càng ngày càng lớn mạnh và làm thay đổi luật và cục diện của sự kỳ thị chủng tộc cho đến hôm nay. Những sự thay đổi này, không những cho người gốc phi châu mà cho toàn bộ xã hội, nhất là người thiểu số nhập cư vào Hoa Kỳ nói chung.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV