HTT: Một trong những thành tựu đáng nể trọng nhất của Cuba, một trong vài quốc gia theo chính sách chuyên chính vô sản, đó là hệ thống y tế thuộc hàng tốt nhất trên thế giới. Câu hỏi đặt ra là tại sao một quốc gia đã bị Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trên thế giới cấm vận, khiến sự phát triển kinh tế thuộc hàng tệ hại nhất thế giới, mà lại đạt được thành quả về y khoa như ngày nay? Câu trả lời là do chính sách kiên quyết của chính phủ và lệnh cấm vận không bao gồm cung cấp y khoa cho người dân Cuba.
Vào thập niên 1950, trong cuộc cách mạng Cuba, nhằm lật đổ chế độ tư bản và đưa Cuba vào con đường Cộng Sản, nhà lãnh đạo Fidel Castro đã cam kết sẽ lập ra một hệ thống bảo hiểm y tế cho toàn dân, không những vậy, Cuba sẽ là quốc gia sản xuất lực lượng chuyên gia về y tế cho thế giới. Khi chính thức được bầu làm Chủ tịch, Fidel Castro đã quyết tâm thực hiện cam kết này, và đến hôm nay, Cuba đã xuất cảng 400 ngàn chuyên gia y tế và đang làm việc tại 147 quốc trên thế giới.
Nhờ hệ thống y khoa đặt nền tảng từ đầu năm 1960 cho đến nay, khi thế giới rơi vào đại dịch, Cuba đã nghiễm nhiên dẫn đầu quốc tế trong nỗ lực kiềm chế và nghiên cứu thuốc chủng cho người dân, ngoài ra, các chuyên gia y tế của Cuba cũng được gửi đi các nơi để hỗ trợ cho chính phủ, ngay cả những quốc gia đã có nền y khoa tân tiến, chẳng hạn như Ý. Vào thời điểm có người bị nhiễm và tử vong kỷ lục, nhiều bác sĩ Cuba đã hỗ trợ trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan, trong lúc chữa trị cho bệnh nhân.
Lệnh cấm vận của Hoa Kỳ không bao gồm lãnh vực y tế, vì thế trong nhiều thập niên qua, vật cụ y tế, dược phẩm từ Mỹ vẫn được xuất cảng sang Cuba, nhờ thế, trong lãnh vực nghiên cứu về y khoa, Cuba lại nhận được sự trợ giúp một cách gián tiếp từ các công ty chuyên về y tế của Hoa Kỳ, vì thế, cam kết của chính phủ Fidel Castro trong nỗ lực cung cấp dịch vụ y tế cho toàn dân đã thành hiện thực. Người dân Cuba không phải trả chi phí cho chăm sóc y tế, và các cơ sở y tế, mặc dù do nhà nước quản lý, nhưng du khách nước ngoài vào Cuba sẽ nhận được dịch vu y tế tốt như Hoa Kỳ hoặc các quốc gia văn minh khác.
Nhờ dịch vụ y tế tốt, theo khảo sát, tuổi thọ của người dân Cuba cũng sánh bằng với Hoa Kỳ. Tỉ lệ tử vong cho trẻ sơ sinh còn thấp hơn nhiều quốc gia khác. Chi phí y tế của người dân Cuba chỉ bằng 1 phần 10 so với người Mỹ, vì thế, chủ trương tiết kiệm của chính phủ Cuba là tập trung vào kế hoạch phòng bệnh hơn chữa bệnh, do đó, giảm thiểu được chi phí bệnh viện hoặc chữa trị cho 11 triệu dân Cuba.
Vì cung cấp y tế cho toàn dân dưới quyền kiểm soát của chính phủ, vì thế, Cuba lập ra các tổ y tế ở mọi nơi, nhất là trong các xóm nhỏ, chỗ nào cũng có nhà chăm sóc y tế, nhiệm vụ của các bác sĩ địa phương là theo dõi tình trạng sức khỏe của người dân trong tổ dân phố. Với mong ước được ra nước ngoài, Cuba là quốc gia có lượng sinh viên y khoa thuộc hàng cao nhất thế giới, và có tỉ lệ bác sĩ trên đầu người cao nhất thế giới, cứ mỗi 1000 dân, có đến 8,2 bác sĩ.
Tại Mỹ, 1000 dân chỉ có 2,6 bác sĩ. Đức có tỉ lệ bác sĩ cho dân cao nhất cũng chỉ ở mức 4,2 mà thôi. Nhờ lượng bác sĩ vượt trội nhất thế giới, thay vì thiếu hụt bác sĩ như ở Hoa Kỳ, Cuba lại xuất cảng bác sĩ và chuyên gia y tế cho nước ngoài. Hiện đang có 28 ngàn bác sĩ đang làm việc tại 59 quốc gia, từ Châu Phi cho đến vùng Trung Đông. Ngay cả bệnh viện tối tân nhất thế giới của nước dầu hỏa Qatar, bác sĩ tại đây là người đến từ Cuba.
Chính phủ Cuba sử dụng nhân viên y tế để xây dựng mối quan hệ ngoại giao, nhờ thế, cung cấp nguồn doanh thu quan trọng mà với vị thế địa lý của Cuba là một đảo, không thể sản xuất các nguồn hàng nào khác hơn là nhân lực. Lương bác sĩ ở Cuba chỉ có 65 mỹ kim một tháng, đổi lại, họ được cung cấp nhà ở, thực phẩm, giáo dục và các nguồn nhu yếu phẩm khác hoàn toàn miễn phí. Vì vượt trội trong lãnh vực y khoa, đa số sinh viên đều muốn trở thành bác sĩ, ít nhất là họ có cơ hội được ra nước ngoài, nhờ vậy Cuba tiếp tục tạo được nguồn bác sĩ và y tá, vừa phục vụ nội địa, vừa được gửi đi nước ngoài, qua đó mang nguồn lợi về cho đất nước.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV