Menu

Lãnh đạo độc tài chỉ gây khổ cho dân (xem Video)

Nếu đi du lịch ra nước ngoài hôm nay, một nơi rất lý tưởng để làm điểm đến là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia được mệnh danh là điểm nối giữa trời đông và trời tây. Vì vị trí địa lý của nước Thổ rất lý tưởng, phía Đông giáp ranh với vùng Trung Đông, còn phía Tây thì lại giáp ranh với Châu  u. Hướng Bắc có vùng biển Đen, còn phía Nam có cả một địa trung hải. Với vị thế đắc địa này, thời đế chế Ottoman, Thổ Nhĩ Kỳ từng mang quân tiến chiếm các quốc gia lân cận làm thuộc địa, thế nhưng đó là chuyện dĩ vãng, còn ngày nay, ngoài ảnh hưởng của đại dịch Covid, Thổ Nhĩ Kỳ lại đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tiền tệ, không phải do đại dịch gây ra mà đến từ phán quyết độc đoán của TT Erdogan, nhà lãnh đạo tham quyền cố vị,  lãnh đạo đất nước bằng bàn tay sắt, dù Thổ Nhĩ Kỳ là có bầu cử tự do, nhưng thành phần đối lập đều bị ông thẳng tay trù dập và gặp phải sự chỉ trích từ các tổ chức bảo vệ nhân quyền.

Trước đại dịch, Thổ Nhĩ Kỳ đang có một nền kinh tế ổn định. Xuất cảng mạnh và ngành du lịch phát triển rất tốt, giá nhà tăng cao và người dân có tiền để dành, mua sắm. Trị giá hoán đổi đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2017 là gần 4 lira đổi lấy 1 mỹ kim, trong khi tiền Hồ của Việt Nam là 23 ngàn đồng đổi lấy 1 đô la, cho thấy tiền Thổ Nhĩ Kỳ rất giá trị, cao hơn cả đồng nhân dân tệ nữa. Khi đại dịch xảy ra, do kinh tế đóng cửa, du lịch bế môn tỏa cảng, trị giá lira đã bị mất hơn phân nửa, hay hơn 8 lira đổi lấy 1 mỹ kim.

Việc đồng tiền bị mất giá là chuyện bình thường nếu bị ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, nhưng theo thời gian, với các chính sách hỗ trợ kinh tế của chính phủ, nền kinh tế nội địa sẽ dần hồi phục. Suy thoái kinh tế vì đại dịch, không chỉ riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ mà còn nhiều quốc gia trên thế giới. Đại dịch cũng khiến giá cả tăng cao và dẫn đến lạm phát. Lạm phát đang xảy ra tại Mỹ và trên toàn cầu hiện nay đến từ nhiều yếu tố.

Đại dịch gây ra tình trạng các nhà máy phải tạm đóng cửa hay sản xuất bị trì trệ vì nhân công bị bệnh, hay bị phong tỏa. Hàng sản xuất không đủ trong khi nhu cầu lại tăng, khiến giá thành sản phẩm tăng. Thứ hai, khi bị phong tỏa, người dân ở nhà, họ vẫn tiếp tục mua sắm, thậm chí còn mua nhiều hơn trước, việc này càng gây ảnh hưởng đến hàng hóa cung cấp. Thiếu hàng thì giá phải tăng.

Tương tự như nhiều quốc gia khác, Thổ Nhĩ kỳ cũng rơi vào tình trạng lạm phát vì đại dịch, nhưng một trong những phương cách kiềm chế lạm phát là tăng phân lời.

Phân lời tăng sẽ khiến tiền vay mượn giảm, tiêu xài ít đi và nguồn hàng cung cấp sẽ dư thừa, qua đó giúp giá cả giảm xuống. Tuy nhiên TT Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ lại có quan điểm khác, ông cho rằng, việc tăng phân lời đi ngược lại với tiêu chí của người hồi giáo, ngoài ra ông nghĩ rằng, việc giảm phân lời sẽ giúp giá hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ rẻ hơn, qua đó đẩy mạnh nguồn hàng xuất cảng ra nước ngoài. Tiền Thổ Nhĩ Kỳ mất giá sẽ giúp đẩy mạnh ngành du lịch hoặc đầu tư nước ngoài trở lại. Thế nhưng thực tế lại diễn ra hoàn toàn khác.

Vào đầu năm 2021 khi ông bắt đầu áp dụng chính sách cắt tiền lời quốc gia, lạm phát bắt đầu tăng mạnh, cộng thêm với áp lực từ đại dịch, trị giá tiền Lira bị giảm mạnh, từ 8 lira đổi 1 đô la Mỹ, đã giảm thành 14 lira đổi một mỹ kim, tức là giảm gấp 4 lần so với trước đại dịch. Tiền mất giá, càng dẫn đến tình trạng lạm phát thành khủng hoảng, trong khi lương của người dân không thay đổi.

Điều này có nghĩa, trước đại dịch, thị dụ một ổ bánh mì là một Lira, hôm nay, một ổ bánh mì là 4 lira. Ngược lại tiền lira mất giá lại là cơ hội cho du khách nước ngoài hưởng lợi. Lúc trước khi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, một mỹ kim, du khách chỉ mua được 1 ổ bánh mì, hôm nay 1 mỹ kim mua được đến 3 ổ. Lúc trước, khách sạn 1 đêm là 100 mỹ kim, hiện nay do đồng tiền mất giá, du khách Mỹ vào Thổ Nhĩ Kỳ chỉ phải trả khoảng 50 mỹ kim.

Tuy nhiên cắt tiền lời quốc gia làm giá cả tăng, khiến người dân ta thán, nhiều chủ nhân các cơ sở tiểu thương đã phải đóng cửa, vì tiền mất giá, người dân không còn tiền để mua sắm nữa. Nền kinh tế nội địa có mạnh được hay không là nhờ mãi lực của người tiêu thụ. Người dân không có tiền để mua sắm thì kinh tế suy thoái là chuyện đương nhiên. Dù vậy, TT Erdogan vẫn bám trụ vào quan điểm cắt phân lời theo niềm tin Hồi giáo của ông, để mặc cho đất nước rơi vào cảnh khó khăn kinh tế.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV