Tương tự như những phiên xử thành phần đối lập trước đây, số phận của bà Phạm Đoan Trang, ông Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm, dường như đã được tiên liệu trước. Đây là những nhà bất đồng chính kiến can đảm, vì họ dám nói lên sự thật, trước tình trạng độc tài toàn trị, bưng bít thông tin và trù dập những tiếng nói khác với quan điểm chính trị của nhà cầm quyền. Nhà báo và cũng là người đăng bài trên mạng Phạm Đoan Trang, năm nay 43 tuổi, từng viết nhiều sách về nhân quyền và chính trị được xuất bản trong nước và nước ngoài. Bà Trang đã từng làm việc tại hai tờ báo chính thống là VietnamNet và Báo Pháp luật ở Sài Gòn. Sau đó, bà trở thành nhà báo độc lập và đồng sáng lập báo Luật Khoa Tạp Chí, sau khi ngày càng nhìn thấy sự thối nát trong guồng máy chính trị của nhà cầm quyền VNCS. Thông qua các hoạt động báo chí và nhân quyền, bà Phạm Đoan Trang đã nhận được các giải thưởng của các tổ chức quốc tế, nhưng càng hoạt động và nhận được sự quan tâm của nước ngoài bao nhiêu, bà Trang cũng nhận thức được tầm nguy hiểm cho cá nhân và hậu quả của sự tù đày. Bà bị bắt vào ngày 6 tháng 10 năm 2020, ngay sau khi kết thúc phiên đối thoại nhân quyền Việt Nam – Hoa Kỳ.
Trong khi đó ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm, hôm nay trong phiên xử sơ thẩm đều bị án 10 và 6 năm tù giam, với tội danh bị ghán là “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cả hai trong thời gian qua, chỉ muốn tranh đấu cho quyền lợi về đất đai mà họ hoàn toàn được quyền được hưởng, nhưng các quyền này đã bị nhà cầm quyền tước bỏ để bán đất trục lợi cho các nhóm đặc quyền VNCS. Vụ án của ông Phương và bà Tâm liên quan đến vụ tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm, Huyện Mỹ Đức, Hà Nội từ nhiều năm qua, theo đó, nhà cầm quyền cho rằng cả hai đã kích động nhân dân chống đối chính quyền, và đưa ra các bản án tù nặng để răng đe.
Những bản án tù nặng này được đưa ra cho những người bất đồng chính kiến cho thấy Việt Nam tiếp tục đi lùi trong bước tiến của các quốc gia văn minh và dân chủ, một điểm ưu tiên rất cần thiết để phát triển. Hãy nhìn sang Đài Loan hôm nay để thấy được sự khác biệt rất lớn giữa hai guồng máy, độc tài chuyên chế và văn minh dân chủ. Đài Loan từ ngày tách biệt với đại lục đã phát triển liên tục và hiện trở thành quốc gia có nền kinh tế, song song với một chế độ dân chủ thuộc hàng tốt nhất trên thế giới. Vì mối lo sợ bị Trung Quốc lấn áp và tiếp tục đòi thống nhất, người trẻ Đài Loan đã tập hợp thành một khối và cùng nhau tranh đấu cho một Đài Loan độc lập. Đài Loan hiện có số người trẻ tham gia vào các hoạt động dân chủ thuộc hàng mạnh nhất thế giới. Họ ủng hộ cho những nhân vật có đường lối dân chủ và cởi mở xã hội, đồng thời chống lại những nhân vật chính trị có khuynh hướng thân Trung Quốc và muốn Đài Loan thống nhất với Đại Lục.
Đài Loan mở rộng các diễn đàn thảo luận về chính trị và khuyến khích người trẻ tham gia. Tương tự như ở Hoa Kỳ, báo chí, giới truyền thông hoàn toàn tự do loan tin về chính trị, cho người dân tham gia vào các cuộc hội thảo chính trị, nhất là vào thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng. Các nhóm trẻ mời các ứng viên lên diễn đàn chính trị để được chất vất nhằm tìm hiểu thêm quan điểm cũng như các hướng đi mà họ sẽ làm nếu được bầu vào ghế. Nhờ hoạt động mạnh mẽ từ tự do ngôn luận đến báo chí và chính trị, Đài Loan đã ngăn cản được các hoạt động mờ ám trong chính phủ, cắt giảm tình trạng tham nhũng và làm quyền từ chính quyền.
Đây là những điểm hoàn toàn khác với Việt Nam ngày nay. Người trẻ Việt Nam ngày nay, vì tình trạng đàn áp, bưng bít thông tin, nhất là ngăn cản người dân tham gia chính trị, họ chỉ còn biết đi chơi, tham gia vào các hoạt động giải trí, hoặc làm ăn, không còn màng đến chuyện chính trị như các quốc gia văn minh khác. Sự thụt lùi về tư duy chính trị này chỉ đưa Việt Nam thụt lùi xa hơn nữa, dù cố gắng phát triển kinh tế cách mấy đi chăng nữa, vì nguồn lợi chính của đất nước, chỉ nhằm phục vụ cho guồng máy Đảng, và các nhân vật chính trị chóp bu, được hưởng quyền lợi lớn nhất.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV