Menu

Lạm phát tiếp tục tăng cao

HTT: Chỉ số người tiêu thụ là thước đo giá cả của đủ mọi loại hàng hóa đang mua bán trên toàn nước Mỹ, cộng với giá cả dịch vụ đã tăng thêm gần 1% chỉ riêng trong tháng 11 vừa qua, như vậy, nếu tính trung bình từ đầu năm 2021 đến nay, giá cả mà người tiêu thụ Mỹ phải trả tăng thêm 6,8%, và là mức tăng giá nhanh nhất tính từ tháng 6 năm 1982 đến nay.

Trong bản tường trình hôm qua, chúng tôi đã đề cập đến vấn nạn mà chính quyền TT Joe Biden lẫn Đảng Dân Chủ đang đương đầu chính là lạm phát, vì lý do, chúng đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý người tiêu thụ hay cử tri Mỹ. Nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn đang phát triển rất tốt, thị trường chứng khoán vẫn tăng trưởng tốt, công ăn việc làm thừa mứa, thế nhưng người tiêu thụ, nhất là thành phần có lợi tức trung bình hay thuộc diện nghèo, họ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ giá cả hàng hóa và xăng dầu lên cao. Một trong những giá hàng gây ảnh hưởng trực tiếp và mạnh nhất đối với người tiêu thụ là giá xăng, giá khí đốt.

Theo báo cáo của bộ thương mại thì giá năng lượng đã tăng thêm 33,3% tính từ tháng 11 năm 2020 đến nay. Trong khi đó giá xăng đã tăng 58,1% và chính quyền liên bang gặp không biết bao nhiêu lời ta thán, vì đổ xăng là chuyện họ phải làm hàng tuần, thậm chí nhiều người đi làm xa phải đổ xăng thường xuyên. Giá nhiên liệu tăng, cũng trực tiếp ảnh hưởng lên giá hàng hóa, đặc biệt là những cư dân sống trong các vùng xa, hẻo lánh, giá cả dịch vụ và hàng hóa còn tăng cao hơn so với người ở trung tâm thành phố.

Ông Randy Frederick, quản trị viên của công ty đầu tư Charles Schwab cho biết, lạm phát hiện nay đang ở mức quá cao so với vài thập niên trước, ngay cả do ảnh hưởng vì đại dịch thì giá cả vẫn tăng cao bất thường. Ông đổ lỗi cho tình trạng hàng hóa bị kẹt và con chip bán dẫn không đủ cung cấp cho các nhà sản xuất, đóng góp thêm cho giá cả tăng hiện nay.

Tin tức càng không lạc quan khi tại hai hải cảng quan trọng nhất Hoa Kỳ là Los Angeles và Long Beach, tình trạng tàu hàng tiếp tục bị kẹt ở ngoài khơi, vẫn không giảm thiểu, mặc cho chính quyền và công ty vận tải cố gắng thu xếp sao cho xe tải và hàng hóa nhanh chóng ra khỏi hải cảng mỗi ngày thật nhiều.  Tin tức hôm nay cho thấy, tàu hàng tiếp tục đổ về hải cảng ngày càng nhiều và thời gian phải chờ đợi để được vào cảng ngày càng dài hơn. Hôm nay có 30 chiếc tàu mà mắt thường có thể nhìn thấy đang neo bên ngoài hải cảng Los Angeles và Long Beach, thế nhưng nếu đi xa ra khơi, hiện có hơn 60 chiếc tàu hàng đang neo, thậm chí có tàu phải chờ đợi cách cảng đến cả trăm và hàng ngàn dặm ngoài khơi. Như vậy số tàu đang neo đậu ngoài khơi lên đến 90 chiếc mỗi ngày và phải chờ đến sang năm thì hy vọng giải quyết được tình trạng tồn ứ tàu hàng.

Nhiều tàu khởi hành từ Châu Á đã phải giảm tốc độ trong hải trình vì biết chắc sẽ không thể cập cảng đúng hạn. Tình trạng neo đậu đã gặp thêm khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, khi gió và biển động gây khuyến cáo về an toàn cho các tàu hàng. Những khó khăn này đã buộc chủ tàu hàng tăng giá vận chuyển, và người tiêu thụ Mỹ sẽ phải chịu một phần giá cả tăng vì tình trạng kẹt hàng này. Khó khăn về hàng hóa chưa hết, vì kẹt hàng, nỗ lực bán hàng của các công ty từ nhỏ đến lớn cũng bị ảnh hưởng và lợi nhuận, nhất là vào dịp mua sắm cuối năm mặc dù có tăng, nhưng lẽ ra phải tăng nhiều hơn những năm trước, thì giờ đây do thiếu hàng, các công ty không thể bán nhiều như trước. Thêm một điều kiện khiến tình trạng hàng hóa tồn ứ và giá cả tăng là vì người tiêu thụ vẫn tiếp tục mua sắm mạnh, vì công ăn việc làm tốt và lương bổng cũng tăng theo.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV