Menu

Tổ chức Y Tế Thế Giới thành lập Hiệp Ước Đại Dịch (xem Video)

Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức y tế thế giới WHO, chỉ trong vòng 48 giờ qua, số quốc gia phát hiện biến thể Omicron đã tăng từ 23 lên thành 38 và chắc chắn sẽ tăng thêm trong vài ngày tới. Việc tăng nhanh này cho thấy mối quan tâm lúc đầu đang thành hiện thực là khả năng lây lan của biến thể Omicron rất nhanh, tuy nhiên triệu chứng từ Omicron có khiến gây thêm số người nhập viện trong trường hợp nặng hay tử vong, sẽ cần thêm dữ kiện trong những ngày tới. Điều ưu tiên hiện nay là làm sao đẩy mạnh tỉ lệ chích ngừa vì hôm nay tổ chức y tế thế giới khẳng định là những biện pháp phòng ngừa và đề kháng biến thể Delta trong năm qua đã hữu hiệu để tiếp tục chống lại biến thể Omicron.

Trong phiên họp mới nhất hôm nay, tổ chức y tế thế giới báo cao, số lây nhiễm bên ngoài Nam Phi mặc dù có nhưng chưa nhiều như biến thể Delta, vì còn quá sớm, tuy nhiên theo lời bác sĩ Takeshi Kasai, hiện là giám đốc phân bộ vùng Tây Thái Bình Dương của tổ chức y tế thế giới thì cho đến nay, những chính sách chung bảo vệ con người do WHO lập ra từ những ngày đầu của đại dịch vẫn không thay đổi và sẽ tiếp tục đạt được sự hữu hiệu cần thiết để chiến đấu với không những biến thể Omicron mà còn những biến thể khác trong tương lai. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất mà các quốc gia luôn gia tăng là phải bảo đảm số giường bệnh chữa trị đặc biệt ICU luôn luôn có sẵn, vì việc chữa trị thành công bệnh nhân Covid là chẩn đúng bệnh, đưa vào đúng nơi để chữa và đúng lúc nếu muốn cứu mạng người bị nhiễm Covid trong trường hợp trở nặng.

Hôm nay số người bị nhiễm biến thể Omicron đã xuất hiện ở Úc, Hong Kong, Nhật, Nam Hàn, Singapore và Malaysia, riêng ở Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đang rất quan tâm vì thế vận hội mùa đông chỉ còn 2 tháng nữa là diễn ra và hiện chưa rõ tình trạng lây nhiễm của Omicron sẽ như thế nào. Ông Zhao Weidong, phát ngôn viên của ủy ban thế vận Trung Quốc cho biết, họ đã ra các hướng dẫn cần thiết để giúp giảm sự lây lan của siêu vi khuẩn trong thời gian diễn ra các trận thi đấu, bao gồm tiêu chuẩn không nhân nhượng để hy vọng không để xảy ra các vụ lây nhiễm cho các vận động viên. Tương tự như thế vận hội mùa hè vừa qua ở Tokyo Nhật Bản, các vận động viên sẽ chỉ ở trong các vùng cô lập, thường xuyên được thử nghiệm, khán giả xem thi đấu trực tiếp sẽ bị giới hạn, và sự tiếp xúc càng bị giới hạn hơn nữa.

Hôm nay các thành viên trong Tổ chức y tế thế giới đã đồng thuận về việc khởi sự thảo luận một hiệp ước gọi là Hiệp Ước Đại Dịch, để bảo đảm toàn thế giới cùng một hướng đi trong nỗ lực đương đầu với trận đại dịch kế tiếp. Hiện nay các chuyên gia y tế của WHO đã bắt tay vào việc soạn thảo hiến chương, sau đó sẽ tiến hành thảo luận với các quốc gia để cùng thông qua thỏa ước quốc tế, áp dụng chung với mục tiêu để bảo vệ các thế hệ trong tương lai được an toàn hơn trước hiểm họa của đại dịch. Tương tự như hiệp ước giảm khói thải toàn cầu, hiệp ước về đại dịch cũng cần sự đồng thuận của các thành viên trong Liên Hiệp Quốc, vì cùng san sẻ gánh nặng chung cho nhau bao gồm việc hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các quốc gia nghèo để giảm bớt khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV