Menu

Nguồn gốc ngày lễ Tạ Ơn (xem Video)

Từ nhiều thập niên qua, học sinh và người dân Mỹ đọc sử vẫn nghĩ rằng, nguồn gốc lễ tạ ơn khởi đầu bằng chuyến tàu của người hành hương Mayflower đổ bộ đến bãi đá Plymouth vào năm 1620, thế nhưng theo các nghiên cứu về sau này thì thực sự đây không phải là chuyến tàu đầu tiên của người hành hương vì trên tàu Mayflower người ta đã nắm vững tình hình của khu vực nhờ thông tin từ những người đi trước như ông Samuel de Champlain. Nhiều người châu Âu khác, đã từng thực hiện hành trình đến Bắc Mỹ trong hơn 100 năm, vì thế họ đã thành lập các vùng đất dọc theo bờ biển phía đông, chẳng hạn như vùng Jamestown ở Virginia, lúc đó đã định cư được 14 năm, trong khi người Tây Ban Nha đã định cư ở Florida từ đầu thế kỷ 1500. Vì vậy thông tin cho rằng những người hành hương trên tàu Mayflower là những người đầu tiên đến định cư tại Mỹ là hoàn toàn sai lầm, họ thực sự là người đến sau. Trong những ngày đầu của thế kỷ 1600, người châu âu đến vùng Bắc Mỹ từ Florida đến New England đã mang theo đại dịch và bệnh tật và tiêu diệt dân số bản địa ở Mỹ, chưa kể là người bản địa bị bắt làm nô lệ chiếm đến 75%.

Thứ hai bãi đá Plymouth Rock không phải là vùng đất hoang dã mà đã được người bản địa dựng thành bản làng mang tên Patuxet, thuộc khu đất của thổ dân Wampanoag, được xem là vùng đất trù phú với những cánh đồng bắp và các loại ngũ cốc khác. Đây cũng là nhà của người bản địa Squanto, nổi danh là vì ông là người đã giúp nhóm người hành hương trên tàu Mayflower cách trồng trọt và đánh cá, giúp họ thoát khỏi cảnh đói. Thế nhưng chính Squanto là một đứa trẻ đã bị những người châu âu đến trước bắt làm nô lệ và đưa sang Anh. Khi lớn lên Squanto trốn thoát và tìm đường trở về lại bản làng của anh năm 1619, trước khi tàu Mayflower đổ bộ.

Đây là 2 chi tiết mà những ai từng biết về nguồn gốc của lễ tạ ơn không biết đến, tạo nên sự hiểu lầm đáng tiếc, vì thực tế, sự khám phá của người Châu Âu đến vùng Bắc Mỹ đã gây nên bao sự tang tóc cho người bản địa, từ dịch bệnh đến nô lệ cũng như thảm sát và buộc họ phải theo đạo thiên chúa giáo.

Những chi tiết còn lại liên quan đến nhóm người hành hương bỏ chạy từ Anh Quốc sang đến Mỹ là chính xác khi những chuyến tàu đổ bộ vào bờ biển miền đông mang theo những người hành hương chia ra làm nhiều nhóm, trong số này có nhóm người Ly Khai và Thuần giáo đều là những người Anh theo Thiên Chúa Giáo, nhưng lại khác quan điểm với giáo hội Anh. Người thuần giáo thì muốn ở lại Giáo hội Anh giáo rồi thực hiện việc cải tổ, tức là làm thuần tính giáo hội trở lại để tránh bị ảnh hưởng quá lớn đối với giáo hội công giáo La Mã,  trong khi những người thuộc nhóm Ly Khai thì hoàn toàn muốn tách khỏi nhà thờ Anh Giáo, đó cũng là lý do họ phải bỏ trốn khỏi nước Anh để tránh bị trù dập hay tàn sát. Những người đổ bộ vào bãi đá Plymouth là những người Ly Khai và đã được người bản địa hỗ trợ thoát khỏi cảnh đói rét mùa đông của những ngày đầu đến xứ lạ.

TT đầu tiên của nước Mỹ là George Washington đã chính thức tuyên bố lễ tạ ơn đầu tiên của nước Mỹ khi quốc hội yêu cầu. Nhưng đến thời TT Thomas Jefferson, ông lại không muốn xem đây là ngày nghỉ, vì trước khi trở thành ngày lễ quốc gia, thì ngày tạ ơn chỉ được thực hiện tùy theo năm và tùy theo từng tiểu bang.  Cho đến thời TT Abraham Lincoln, năm 1863 mới trở thành một ngày nghỉ chính thức liên bang. Lễ tạ ơn được ăn mừng trong bầu không khí của cuộc nội chiến tương tàn. Năm 1863 cũng là năm mà TT Lincoln ký lệnh giải phóng nô lệ. TT Lincoln đã chọn ngày Thứ Năm cuối cùng của tháng 11 để mừng ngày lễ mà ông gọi là “Lễ Tạ Ơn và ca tụng tiền nhân của chúng ta ở Thiên Đường”. Điểm đáng chú ý là trong thông điệp tuyên bố lễ tạ ơn là ngày nghỉ chính thức liên bang thì người ly khai trên tàu Mayflower cũng như việc người bản địa giúp đỡ người nhập cư thoát khỏi cảnh đói khát đã không hề được nhắc đến.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV