Menu

Hoa Kỳ và Trung Quốc hợp tác kiềm chế giá dầu tăng (xem Video)

Giá dầu đã tăng vọt vào mùa thu năm nay, thúc đẩy lợi nhuận cho các nhà sản xuất lớn nhưng lại làm tổn hại đến túi tiền của những người tiêu thụ, nhất là tài xế khi họ đi đổ xăng, vào thời điểm phải lái xe về nhà đoàn tụ với gia đình vào mùa lễ tạ ơn hay sắp vào dịp giáng sinh, hay đi chơi xa cần đổ đầy bình. Chỉ vài ngày qua, giá xăng ở California đã chạm mức cao nhất tính từ năm 2012 đến nay. Tuy nhiên, trong tuần này, một số áp lực nhằm kiềm chế giá xăng tăng cao hơn nữa bắt đầu hiệu nghiệm.

Trong vài ngày qua người ta thấy các nguồn cung cấp dầu hỏa từ Texas, hiện đang giao dịch ở giá thấp nhất trong 6 tuần qua vì lý do là nguồn dầu hỏa bắt đầu không còn thiếu hụt như trước nữa.  Tại Hoa Kỳ, giá giảm mạnh hôm thứ Tư sau khi nguồn dầu tồn kho tại một trung tâm quan trọng ở thành phố Cushing, Oklahoma đã tăng trở lại lần đầu tiên trong nhiều tuần. Dầu tồn kho tăng cũng có nghĩa là trữ lượng dầu bơm ra thị trường cũng sẽ tăng và giúp giá xăng giảm xuống.

Theo lời ông Bjornar Tonhaugen, trưởng nhóm cố vấn về thị trường dầu mỏ của công ty Rystad Energy, cho biết, yếu tố lớn nhất để giúp làm giảm giá dầu lúc này là do nỗ lực bơm dầu dự trữ chiến lược của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong cuộc họp lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo hai quốc gia tiêu thụ dầu hỏa lớn nhất thế giới thì Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về “tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp giải quyết nguồn cung cấp và tiêu thụ năng lượng toàn cầu” trong hội nghị thượng đỉnh. Điều đó làm dấy lên cuộc bàn tán về một hành động phối hợp do Tòa Bạch Ốc khởi xướng nhằm bơm thêm  hàng triệu thùng dầu ra thị trường. Sang đến hôm nay, phía Trung Quốc cũng bắt đầu bơm thêm dầu dự trữ mang tính phối hợp với Hoa Kỳ để giúp giảm giá xăng tăng kỷ lục ở Trung Quốc. Hiện chưa rõ bao nhiêu thùng dầu sẽ được bơm thêm, nhưng chỉ riêng với nỗ lực này sẽ giúp giá dầu giảm và kéo theo giá xăng trong thời gian gần sắp tới.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, dựa trên biến động giá dầu hiện tại, thì có khả năng là có từ 20 triệu đến 30 triệu thùng dầu sẽ được chính phủ hai nước bơm vào thị trường trong tháng tới sẽ được bán ra thị trường trong tháng tới. Nỗ lực này cũng được sự phối hợp chung với Cơ quan Năng lượng Quốc tế gọi tắt là IEA. Tuy nhiên đây chỉ là nỗ lực mang tính ngắn hạn vì muốn giữ giá xăng thấp, cần phải có nguồn dầu tăng vào thị trường lâu dài hơn. Cơ quan năng lượng quốc tế IEA cho biết, họ dự trù ​​nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tăng 1,5 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 11 và tháng 12 khi một số sản lượng dầu tại Hoa Kỳ cũng sẽ tăng trở lại. Trong khi đó OPEC, 10 quốc gia nắm sản lượng dầu thô lớn nhất thế giới cũng đang gặp áp lực để tăng sản lượng nhưng chưa rõ họ sẽ tăng bao nhiêu.

Bên cạnh việc phối hợp với Trung Quốc để cùng trích dầu dự trữ chiến lược ra thị trường, TT Joe Biden, người đang bị áp lực chính trị từ giá xăng tăng hôm Thứ Tư đã yêu cầu Ủy ban Thương mại “ngay lập tức” điều tra xem liệu hoạt động bất hợp pháp mang tính đầu cơ tích trữ hoặc phối hợp giữ giá của các công ty dầu khí có góp phần gây ra vấn đề tăng giá xăng  hay không. Tuy nhiên Viện Dầu Hỏa Hoa Kỳ đã chỉ trích nỗ lực này của Tòa Bạch Ốc cho rằng, chính phủ cần gia tăng việc khai thác và sản xuất dầu hỏa nhiều hơn, thay vì tìm cách kiềm chế lượng khí thải môi sinh, vì đây là nguyên nhân cộng với mức tiêu thụ của người dân gia tăng đã khiến giá dầu và giá xăng tăng, không phải đến từ việc kiềm chế giá cả.

Với những nỗ lực hiện nay mang tính phối hợp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, người ta kỳ vọng giá xăng sẽ giảm xuống trở lại trong thời gian ngắn sắp tới.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV