Menu

Khó khăn trong nỗ lực giảm khói thải toàn cầu (xem Video)

Trong 3 ngày đầu của cuộc họp về khí hậu COP26, thủ tướng Anh Boris Johnson đã bày tỏ sự lạc quan một cách cẩn trọng hy vọng đạt được các cam kết của thế giới để cùng nhau giảm thiểu khói thải. Thán khí độc gây nên tình trạng hâm nóng quả đất và khiến mực nước biển ngày càng dâng cao đến từ nguồn năng lượng than đá, dầu hỏa và thán khí từ sinh vật trên quả đất. Đốt lò nướng bằng than củi, ảnh hưởng từ cháy rừng, đốt than để chạy máy sản xuất… đều đóng góp vào việc tạo thêm thán khí. Nguồn thán khí phần lớn được hấp thụ bởi cây xanh, phần còn lại tích tụ trong bầu khí quyển và dần dần tích tụ khiến quả đất bị hâm nóng. Khi quả đất bị hâm nóng, hiện tượng thiên tai sẽ xảy đến thường xuyên hơn, bao gồm hạn hán và lũ lụt và khiến mực nước biển dâng lên. Tình trạng nước biển dâng sẽ gây nên hiện tượng sói mòn đất liền và từ từ chôn lấp các khu vực gần bờ biển hay các quần đảo thấp. Hiện tượng này đang xảy ra, nhưng điểm đáng quan tâm mà hội nghị COP26 đương đầu là làm sao cân bằng giữa việc phát triển kinh tế quốc gia nhưng giảm thiểu khói thải.

Hiện có 20 cường quốc trên hơn 200 quốc gia toàn cầu nhưng chiếm đến 80% lượng thán khí thải vào môi trường, những quốc gia này bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp Đức, Ý, Nhật, Canada, Trung Quốc, Nga… là những quốc gia có dân số đông và phát triển kinh tế hàng đầu thế giới. Thế nhưng để giảm khói thải, thì phải giảm tiêu thụ, nhưng giảm tiêu thụ thì tăng trưởng kinh tế không có, mà không tăng trưởng kinh tế thì thành phần nghèo trong xã hội chịu thiệt thòi nhất. Xem ra đây là đề tài nan giải.

Một trong những quốc gia được đề cập đến do ảnh hưởng từ hiện tượng bầu khí quyền bị hâm nóng gây nên tình trạng nước biển dâng là Guyana, nằm ở phía bắc Châu Mỹ La Tinh, có biên giới phía Tây của Venezuele, thủ đô là Georgetown. Đất nước nhỏ bé này vẫn cần phát triển kinh tế vì sự sống còn của người dân nên mới đây chính quyền đang tranh luận giữa việc khai thác dầu hỏa và bảo vệ môi sinh. Guyana có mỏ dầu lớn ở thềm lục địa nhưng bờ biển đang ngày càng bị nước biển xâm chiếm và có nguy cơ chìm trong nước biển. Bộ trưởng tài chánh Guyana một mặt phải cân bằng kinh tế nhưng mặt khác cũng phải có trách nhiệm để giữ không cho đất nước bị ảnh hưởng thiên tai và hiện nay Guyana có khuynh hướng khai thác dầu hỏa vì theo họ, rõ ràng là trong vài thập niên qua, các cường quốc trên thế giới đã thất bại trong nỗ lực giảm thiểu khói thải vì hiện tượng xâm thực từ nước biển vẫn tiếp tục gia tăng hàng năm.

Các quốc gia nghèo trên thế giới dường như đang có cùng quan điểm là chỉ 20 cường quốc chịu trách nhiệm đến 80% lượng khói thải, thì tại sao các quốc gia nhỏ phải nhường việc phát triển kinh tế để giảm thiểu khói thải. Việc phân bì này với các cường quốc trên thế giới đòi hỏi các quốc gia giàu có phải chịu trách nhiệm, có nghĩa phải cung cấp nguồn tài chánh để giúp cho các quốc gia nghèo cùng tham gia vào nỗ lực chung của việc giảm khói thải. Điều khó khăn là khi kêu gọi giảm xử dụng nhiên liệu than đá hoặc dầu hỏa, thì cũng lúc giá nhiên liệu tăng vọt, thậm chí đã tăng gấp đôi so với thời kỳ trước khi đại dịch xảy ra. Nhiên liệu tăng càng gây khó khăn cho các quốc gia nghèo, chẳng hạn như Việt Nam có thể cân bằng được ngân sách và tham gia vào nỗ lực giảm khói thải, khi ngày càng nhiều quốc gia nghèo muốn sử dụng than đá vì giá dầu quá cao. Sử dụng than đá càng làm cho nỗ lực giảm khói thải thêm khó khăn, vì thế các quốc gia sản xuất dầu hỏa cần chung tay để giúp giảm giá nhiên liệu, nhưng để giảm giá dầu, thì cần phải tăng sản lượng dầu, nhưng tăng sản lượng dầu cũng có nghĩa là gia tăng lượng khói thải. Anh Quốc hiện chủ trì hội nghị giảm khói thải, từng cam kết giảm lượng tiêu thụ than đá, tuy nhiên trước tình hình giá dầu và khí đốt tăng cao, lại đang xét đến việc khai thác than đá trở lại để tránh gây hại đến kinh tế vì sự ta thán của người dân trước giá năng lượng tăng quá cao. Châu Âu hiện cũng đang đương đầu với tình trạng tương tự, tiến thoái lưỡng nan trong nỗ lực cân bằng kinh tế và giảm khói thải.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV