Menu

Cựu Đại Sứ Bùi Diễm, nhân chứng chiến tranh chính trị VNCH qua đời (xem Video)

Báo chí và cơ quan truyền thông Hoa Kỳ và Việt Nam ở hải ngoại đã thực hiện rất nhiều các cuộc phỏng vấn với ông Bùi Diễm, cựu đại sứ VNCH cuối cùng tại Mỹ nhằm tìm hiểu giai đoạn dẫn đến sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam năm 1975. Với tư cách là đại sứ của một quốc gia, trách vụ của ông là chuyển tải các thông tin của nước nhà đến chính phủ Hoa Kỳ, và từ năm 1967 trở đi, vào thời điểm quân đội Hoa Kỳ bắt đầu tiến hành cuộc chiến chống lại cộng sản miền Bắc mạnh mẽ hơn. Với tình hình chiến sự ở Việt Nam ngày càng căng thẳng hơn, nhất là trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của quân đội miền Bắc nhằm tiến chiếm miền Nam thất bại thì vai trò của ông Bùi Diễm càng quan trọng và cần thiết hơn, vì thế ông được chuyển sang vị trí đại sứ lưu động, để liên tục công tác giữa Hoa Kỳ, Pháp và Sài Gòn.

Điểm đáng chú ý là trong thời gian sau năm 1968, thì phía Mỹ đã thực hiện các cuộc hội đàm bí mật với CS miền Bắc mà không hề tiết lộ tin mật cho phía VNCH biết. Cuộc đàm phán sau đó có đại diện của phía VNCH nhưng cho đến năm 1973 khi Hiệp định Paris được ký kết, nhưng cuộc chiến của Việt Nam thời gian đó xem như đã được Hoa Kỳ định đoạt và cho kết thúc. Vai trò của ông Bùi Diễm vào thời điểm này được xem là vô cùng vất vả vì ông phải đường xuyên đi lại giữa Paris Pháp, Washington ở Hoa Kỳ và Sài Gòn để báo cáo về những thông tin ông ghi nhận được, nhưng phía Hoa Kỳ đã cố tình che giấu nhiều tin tức quan trọng, vì vậy ông đã phải tìm kiếm nguồn tin từ bên ngoài, dựa vào bạn bè thân tín Mỹ, từ những viện nghiên cứu chiến lược của Mỹ, kể cả những viên chức ngoại giao Mỹ có cảm tình với phía VN thời ngoại trưởng Kissinger để tìm hiểu xem, hướng đi sắp tới của Mỹ như thế nào khi tìm cách giải quyết chiến tranh Việt Nam sau hiệp định Paris năm 1973.

Quan trọng nhất là liệu miền Nam Việt Nam có còn được đặt vào vị trí tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại khuynh hướng bành trướng của khối cộng sản quốc tế hay không. Điều ông quan tâm là nhiều khả năng, chế độ VNCH không còn được đặt ngang hàng với miền Bắc trong các cuộc thương thuyết nữa. Sự thật càng rõ ràng hơn khi ông đã thất bại trong nỗ lực kêu gọi Hoa Kỳ giữ nguồn viện trợ quan trọng trị giá hơn 700 triệu mỹ kim để giúp quân đội VNCH giữ vững thành trì từ Quảng Trị vào Nam. Mất nguồn tiền viện trợ và mất luôn vị thế chính trị trước bàn cờ quốc tế, chế độ VNCH xem như không còn hiện hữu nữa.

Ông Bùi Diễm là nhân chứng cho sự thất bại này mà không có phương cách nào cứu vãn. Càng khó khăn và đau đớn hơn là trong vai trò đại sứ, ông là người đã phải tường trình chi tiết về nhiều khả năng miền Nam sẽ rơi vào tay Cộng Sản khi Tổng thống Richard Nixon dính líu vào vụ nghe lén đảng dân chủ ở WaterGate năm 1972, dẫn đến việc ông từ chức năm 1974. Đây là thời điểm mà số phận của miền Nam Việt Nam đã bị an bài, vì nếu không dính vào vụ Watergate, mặc dù tại Mỹ đang diễn ra các cuộc biểu tình chống chiến tranh, nhưng quan điểm của tổng thống Nixon thời đó vẫn muốn giữ vững thành trì chống Cộng, thậm chí có thời điểm ông từng xét tới việc sử dụng bom nguyên tử đã đánh sập miền Bắc, như hồ sơ được giải mã tiết lộ sau này.

Ngày mà đại sứ Bùi Diễm nhìn thấy TT Nixon từ chức, cũng là ngày mà ông nhận biết vận mệnh của miền Nam VN sẽ ra sao, có thể đây là giai đoạn đau đớn nhất cho ông, vì ông từng đặt ra nền tảng công việc trong vị trí đại sứ của mình, đó là tìm cách giúp cho chính phủ của TT Nguyễn Văn Thiệu hiểu rõ hơn về quan điểm của chính phủ Mỹ, không những đối phó với cộng sản miền Bắc mà còn đối với phía Hoa Kỳ với nỗ lực không để cho miền Nam sụp đổ.

Điều buồn hơn cho ông Bùi Diễm, biết được bạn Mỹ bỏ Việt Nam mà ông không thể làm gì khác hơn để nhìn thấy ngày 30 tháng 4 năm 1975 xảy ra. Công việc còn lại của ông khi tỵ nạn tại Mỹ là làm sao giúp cho thế hệ trẻ VN hiểu rõ hơn bối cảnh của VN trong thời chiến cũng như đả phá những định kiến sai lầm từ phía miền Bắc cho rằng quân đội VNCH chỉ là tay sai của đế quốc Mỹ.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV