Menu

130 triệu căn nhà ở Trung Quốc không có người ở (xem Video)

Trung Quốc hiện có khoảng 1 tỉ 400 triệu dân vì thế việc cung cấp nhà ở cho dân số lớn nhất trên thế giới này luôn là mối quan tâm hàng đầu cho Bắc Kinh, nhất là muốn theo đuổi xã hội chủ nghĩa, mang lại bình đẳng đời sống cho mọi người. Từ thời Đặng Tiểu Bình, khi chính sách cải tổ kinh tế khởi đầu, một trong những mục tiêu mà nhà cầm quyền Trung Cộng muốn đạt được là xây dựng các khu vực kinh tế mới và giảm bớt việc tập trung người dân quá đông đúc trong một thành phố. Kế hoạch này vừa hỗ trợ cho các cùng quê hẻo lánh, vừa giải tỏa tình trạng kẹt xe và quá tải tại các thành phố lớn. Vì thế khuynh hướng xây dựng các khu đô thị mới là phương cách giải quyết trên mặt giấy tờ là điều tốt. Tuy nhiên khi bành trướng các khu đô thị mới này, yếu tố con người đã không được xét đến, vì vậy, hàng triệu triệu căn nhà mới được xây lên nhưng nhiều nơi cho đến nay vẫn không có người đến ở.

What has become of China′s ghost cities? | Asia | An in-depth look at news  from across the continent | DW | 25.11.2016

Ông Mark Williams, kinh tế trưởng của viện nghiên cứu Capital Economics cho biết, hiện nay Trung Quốc đang có đến 30 triệu căn chung cư hay nhà vẫn không bán được, nơi đủ chứa đến 80 triệu người, tương đương với dân số của nước Đức. Ngoài ra, với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong vòng hơn 1 thập niên qua, số người trung lưu và giàu có cũng tăng trưởng theo, vì vậy họ dư giả tiền bạc để đầu tư và mua nhà. Tuy nhiên trong số những người mua nhà để ở, cho đến nay họ vẫn chưa dọn vào vì chung quanh họ chưa có ai và sinh hoạt của khu đô thị mới vẫn như một thành phố ma. Số người đã mua nhà hiện nay vào khoảng 100 triệu, có nghĩa, Trung Quốc đang có 100 triệu căn chung cư đã bán được nhưng không ai dọn vào ở. Theo uớc tính riêng 100 triệu căn chung cư này có khả năng hỗ trợ cho 260 triệu người sinh sống, với điều kiện là sinh hoạt của một khu vực cần hỗ trợ cho đời sống của người dân, bao gồm việc làm, trường học, công viên, chợ búa… Mặc dù các khu đô thị mới này theo kế hoạch xây dựng đều bao gồm các tòa nhà và công viên cho đời sống của người dân, nhưng vì không ai đến ở nên không có chợ, trường không có học sinh và công viên bỏ hoang, chưa kể hàng loạt các tòa nhà dùng làm nơi văn phòng cũng không có công ty nào thuê mướn.

Ordos, China's largest ghost town - the abandoned city that's an  architectural marvel - CNN Style

Nhiều khu đô thị mới này đã được xây dựng hơn 10 năm qua và đến nay đã bị mang tiến là “thị trấn ma”, nhìn vào toàn là những nhà cao tầng, trù phú, nhưng đến nơi thì không có một chiếc xe. Vì không có người ở, không có tiền hỗ trợ, nên nhiều nơi cỏ mọc um tùm, thậm chí đang xây dựng dở dang thì công trình bị ngừng lại vì công ty xây dựng kẹt vốn.

Kỹ nghệ địa ốc chiếm đến 30% tổng sản lượng nội địa của Trung Quốc, kinh tế chỉ tăng trưởng tốt nếu lãnh vực địa ốc cũng thăng tiến theo, vì mỗi một khu đô thị mới sẽ đóng góp vào việc tăng trưởng kinh tế, từ công ăn việc làm đến nguồn tiêu thụ của người dân. Bỏ trống những khu đô thị này vừa không giải tỏa được tình trạng tồn ứ ở các thành phố cũ, chưa kể là vốn xây dựng tiếp tục bị kẹt, trong khi tiền vay mượn vẫn phải trả tiền lời. Hiện nay các chuyên gia xem tình hình địa ốc của Trung Quốc như một quả bom nổ chậm và Bắc Kinh cần ra tay cứu nguy các ngân hàng và công ty địa ốc, vì nếu không họ sẽ vỡ nợ, kéo theo cả nền kinh tế Trung Quốc. Hiện nay hầu hết các công ty địa ốc đều đang hoạt động cầm chừng vì các món nợ phải trả tiền lời, trong khi nhà mới đang phải hạ giá mà vẫn không có người mua, chưa kể nhiều người đã bỏ tiền mua nhà nhưng cho đến nay căn nhà của họ vẫn chưa xây xong vì công ty thiếu vốn. Mặc dù vậy, nhiều kinh tế gia Trung Quốc vẫn bày tỏ lạc quan, cho rằng, một số công ty xây dựng và phát triển đô thị vẫn không bị kẹt vốn và tình trạng hiện nay chỉ mang tính tạm thời mà thôi. Thế nhưng thử thách lớn nhất hiện nay và trong vòng 1 thập niên tới của Bắc Kinh là làm sao có người ở trong số 130 triệu căn nhà đang bỏ trống hiện nay.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV