Menu

Deepfake: kỹ thuật giả hình sẽ gây ảnh hưởng xã hội và chính trị (xem Video)

DEEPFAKE TECHNOLOGY, thuật ngữ tiếng Anh nhằm để mô tả một kỹ xảo điện toán, khởi nguồn từ kỹ thuật AI hay Artificial Inteligence, trí thông minh nhân tạo, càng ngày càng hoàn thiện để có thể tạo ra một hình người, một giọng nói y như thật. Trong thời gian qua, kỹ thuật tạo hình giả này đã xuất hiện trên mạng internet, nhưng phần lớn được phim trường Hollywood sử dụng trong các cuốn phim hành động hoặc khoa học giả tưởng, khi máy điện toán hầu như biến một hình ảnh giả mà xuất hiện trông như thật. Không những hình giả mà ngay cả giọng nói cũng được máy điện toán nhái lại và nghe y như thật.

Chỉ trong vòng vài năm tới thôi, các chuyên gia kỹ thuật tiên đoán mọi người nếu muốn, đều có thể tạo nên các đoạn video và âm thanh giả bằng một loại nhu liệu đặc biệt, sử dụng trí thông minh nhân tạo. Điều này có nghĩa, việc tạo hình và giọng nói giả mà không cần đến máy quay phim hoặc máy ghi âm. Trên chương trình 60 phút của đài CBS sẽ được trình chiếu vào Chủ Nhật 10 tháng 10, ký giả Bill Whitaker đã được sử dụng làm giả để chứng minh kỹ thuật ngày nay tối tân đến như thế nào, khi ông được làm trẻ đi đến 30 tuổi bằng một video, cũng với giọng nói như thật, thế nhưng tất cả đều do máy điện toán chế ra.

Nina Schick, một nhà nghiên cứu và cố vấn về chính trị, có trụ sở ở thủ đô Luân Đôn, Anh Quốc, trong thời gian qua đã khuyến cáo các nhà lãnh đạo quốc tế về những trường hợp, phía Nga đã tung ra những thông tin sai lạc, nhằm mục tiêu gây hại đến các cuộc bầu cử dân chủ trên toàn thế giới, bao gồm Hoa Kỳ, bằng cách sử dụng kỹ thuật giả hình này, điều đáng quan tâm hơn là kỹ thuật càng ngày càng tinh vi, càng làm cho người xem không thể nhận ra đó là thật hay giả.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 giữa ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump, người ta đã thấy xuất hiện không biết bao nhiêu là tin giả mạo, sang đến cuộc bầu cử giữa TT Donald Trump đến Joe Biden cũng tương tự như vậy. Các trang mạng xã hội đã phải ra điều trần trước quốc hội để tìm cách ngăn chặn những thông tin giả tạo gây ảnh hưởng đến tiến trình dân chủ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo, trong tương lai, những thông tin sai lạc này càng khó nhận diện hơn khi chúng được tạo ra bằng kỹ thuật dựa trên trí thông minh nhân tạo, chẳng hạn video của một ứng viên xuất hiện giả nhưng khiến cho cử tri tưởng thật vì thế họ không bỏ phiếu cho ứng viên đó nữa. Theo lời của bà Nina Schick, chuyên gia về tin giả mạo thì điều đáng lo ngại là chỉ trong vòng vài năm tới, kỹ thuật càng ngày càng hoàn chỉnh, bất cứ ai vào youtube hay Tiktok cũng có thể tạo ra các đoạn video giả, rất khó để nhận dạng, với kỹ thuật không thua gì Hollywood hiện nay. Mặc dù theo bà Nina Schick, thì đây là một kỹ thuật mang tính cách mạng, làm thay đổi ngành điện toán và internet, thế nhưng nếu không sử dụng đúng chỗ, sẽ gây ra nhiều tác hại cho xã hội lâu dài, và càng gây thêm khó khăn cho các công ty tìm cách ngăn chặn. Trước hết là việc tạo ra hình ảnh khiêu dâm, dựa trên khuôn mặt của ai đó để tống tiền hay làm chuyện tồi bại, hoặc tung ra những tin tức sai lạc để khuyến khích cử tri đừng bỏ phiếu cho ứng viên đối lập nữa. Theo lời bà Nina Schick, kỹ thuật tối tân này luôn có hai mặt và thế giới cần chuẩn bị để đối phó với mặt trái của vấn đề.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV