Menu

Điểm sách “Con đường tơ lụa mới: Hiện tại và Tương lai của thế giới”

E15 Initiative | China's New Silk Road: Implications for the USNguyễn Thế Phương

16-9-2021

“Con đường tơ lụa mới: Hiện tại và Tương lai của thế giới” là một cuốn sách thú vị, đặc biệt đứng dưới góc nhìn địa chính trị và quan hệ quốc tế. Peter Frankopan, tác giả của cuốn sách, là một sử gia. Song như ông đã nói trong phần kết luận, sử gia hay bất cứ nhà quan sát nào cần phải tìm cách “vẽ” được một bức tranh toàn cảnh, “kết nối thế giới lại với nhau”, “xâu chuỗi các sự kiện xảy ra ở khắp mọi nơi” để tạo ra những hiểu biết sâu sắc hơn về những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta.

“Hiểu biết về sự liên kết của các mảnh ghép trong trò chơi địa chính trị toàn cầu giúp giải thích rõ hơn các mối nguy hiểm và tính dễ bị tổn thương – cũng như những cơ hội mà quá trình hợp tác mang lại – qua đó giúp quá trình hoạch định chính sách trở nên tốt hơn”, Frankopan đã khẳng định như thế.

Vậy những mảnh ghép mà Frankopan đã cố gắng sắp xếp và xâu chuỗi rốt cuộc đã vẽ nên một bức tranh như thế nào? Từng chương trong cuốn sách được thiết kế để độc giả cuối cùng có thể nhận ra một thông điệp duy nhất: với “con đường tơ lụa” làm trung tâm, trọng tâm địa chính trị của thế giới trong thế kỷ 21 sẽ dịch chuyển về phía Đông, về đại lục Á-Âu.

“Con đường tơ lụa” ở đây không chỉ là con đường giao thương lịch sử nối giữa phương Đông và phương Tây, mà nó còn là biểu tượng cho sự trỗi dậy của Châu Á, của các nền văn minh phương Đông vốn hàng thế kỷ trước đã từng dẫn dắt sự thịnh vương của thế giới.

Frankopan nhấn mạnh tới sự thay đổi nhanh chóng của thế giới kể từ đầu thế kỷ 21. Bằng những ví dụ hết sức cụ thể từ thế giới bóng đá, đồ dùng xa xỉ, du lịch cho tới bất động sản, chúng ta nhận ra phương Đông đang trở nên “giàu có ở quy mô đáng ngạc nhiên”’. Tăng trưởng kinh tế xuất phát từ toàn cầu hoá tạo ra nhiều cơ hội, tuy nhiên đi kèm với đó là những thách thức mới về an ninh, về tài nguyên, về hệ giá trị, và về môi trường.

“Một thế giới mới – xa lạ và đầy lo ngại” đang xuất hiện, theo Frankopan. Một cuộc chuyển đổi căn cơ đang xảy ra khi Châu Á và con đường tơ lụa đang trỗi dậy. Phản ứng trước sự thay đổi này, phương Tây trở nên bi quan và phương Đông thì lại ngày càng lạc quan.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tuý và chủ nghĩa bài ngoại cực đoan ở Mỹ và Châu Âu tạo ra khủng hoảng nghiêm trọng, chủ yếu xoay quanh vấn đề nhập cư và đặc biệt là bản sắc. Sự mơ hồ về bản sắc khiến cho toàn bộ phương Tây hiện nay đang phải cố gắng đấu tranh để duy trì sự cố kết trong nội bộ, và đảm bảo rằng những giá trị tốt đẹp được tạo ra từ nền tảng nhân văn thời Phục hưng sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai.

Trong khi phương Tây đang mất kết nối, thì “câu chuyện bao trùm phần lớn khu vực giữa Thái Bình Dương và Địa Trung Hải là về sự gắn kết; về những cố gắng để thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn; về xu hướng giảm nhiệt căng thẳng và xây dựng liên minh; về các thảo luận để tìm ra giải pháp đồng thuận vì lợi ích chung, nhằm xây dựng nền tảng cần thiết cho sự hợp tác trong dài hạn”.

Bằng những ví dụ cụ thể sinh động ở những quốc gia nằm dọc theo con đường tơ lụa, ở trung tâm đại lục Á-Âu, Frankopan nhấn mạnh rằng “con đường tơ lụa trỗi dậy nhanh chóng bởi vì nó đang sôi động trở lại. Những gì xảy ra tại khu vực trung tâm, trái tim của thế giới trong những năm tới sẽ định hình thế giới trong hàng trăm năm tiếp theo”.

Frankopan cũng nói rất nhiều về đại dự án “Vành đai Con đường”, được coi là dự án giúp khắc ghi dấu ấn của Tập Cận Bình trong lịch sử. Có 3 nguyên nhân chính khiến Trung Quốc khởi động đại dự án này, theo Frankopan:

(1) nhu cầu tiếp cận năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác một cách ổn định và lâu dài;

(2) thích ứng với quá trình chuyển đổi từ sản xuất sang dịch vụ tại Trung Quốc; và

(3) các mối lo ngại về an ninh trong nước và quốc tế.

Mỹ, đối thủ chính của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh giành quyền lực, xem sáng kiến “Vành đai, Con đường” là nỗ lực dài hạn của Trung Quốc để trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Một “cuộc chơi lớn” tiếp theo dường như đang hình thành ở Trung Á, nơi mà lợi ích của các nước lớn đã, đang và sẽ va chạm với nhau, và là nơi sẽ định hình nên cục diện thế giới trong thế kỷ 21.

Tương lai của thế giới mà Frankopan đề cập trong cuốn sách dường như cũng nhuốm màu bi quan đối với phương Tây. Một mặt, “Mỹ đang cố gắng định hình thế giới dựa trên lợi ích của riêng nước Mỹ, sử dụng cây gậy nhiều hơn củ cà rốt; mặt khác, chúng ta có một chính phủ Trung Quốc thường xuyên nói về lợi ích chung, về tăng cường hợp tác và khuyến khích các dân tộc, các quốc gia và các nền văn hóa xích lại gần nhau hơn trong một kịch bản mà tất cả các bên cùng thắng, trong khi cũng chính đất nước Trung Quốc đó khiến nhiều quốc gia khác sợ hãi về sự trỗi dậy của một đế chế mới, dù vô tình hay hữu ý”. Mặc dù có vẫn có những yếu tố tiêu cực, nhưng tương lai của thế giới trong thế kỷ 21 dường như sẽ xoay quanh đại lúc Á-Âu, chứ không còn là mối quan hệ Bắc Đại Tây Dương nữa.

Frankopan đã tổng hòa lịch sử và địa chính trị trong cuốn sách thứ hai này của ông về Con đường tơ lụa để gửi cho chúng ta một thông điệp đơn giản rằng: thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của Châu Á.

Quan điểm của Frankopan thực thế cũng không phải quan điểm quá mới mẻ, khi đã có nhiều học giả có cùng niềm tin tương tự. Thế nhưng góc độ tiếp cận địa chính trị của ông thì dường như đi ngược lại với suy nghĩ của nhiều người: hình ảnh của con đường tơ lụa cổ xưa phản ánh sự trỗi dậy của một loạt các quốc gia Châu Á nằm dọc theo con đường đó, mà điểm xuất phát chính là Trung Quốc.

Điều này gây bối rối với những nhà địa chính trị đặt niềm tin của mình vào nền tảng và ưu thế của biển cả. Châu Âu, hay Mỹ, là những khu vực và quốc gia đạt được vị thế cường quốc nhờ tận dụng đại dương, hướng ra đại dương như một tầm nhìn chiến lược. Đối với Frankopan, dường như “vùng đất trái tim” đã dịch chuyển từ Đông Âu sang khu vực thảo nguyên Trung Á-Tây Á rộng lớn thế kỷ 21.

Cái hay của Frankopan, là ông đã dành thời gian khảo cứu cụ thể những sự kiện nổi bật mang tính đương đại ở khắp các khu vực dọc theo hành lang con đường tơ lụa cổ đại, kết nối chúng lại với nhau theo một tư duy mạch lạc, và từ đó đưa ra lập luận rất hấp dẫn: sự tiến hóa của con đường tơ lụa, dù theo hướng nào đi chăng nữa, cũng sẽ là điểm mấu chốt để định hình nên thế giới của tương lai. Một thế giới mà theo Frankopan, quyền lực toàn cầu sẽ dịch chuyển từ tây sang đông.

Cuốn sách này cũng sẽ mang lại một chút trầm tư cho các độc giả Việt Nam. Chúng ta nên làm gì với sự trỗi dậy của Trung Quốc? Hay chúng ta có nên nghiêm túc tham gia vào đại dự án Vành đai Con đường hay không? Đây là những câu hỏi thực sự không dễ để trả lời. Cần phải nhìn nhận một thực tế rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là một hiện tượng khó có thể đảo ngược.

Và cần phải loại bỏ yếu tố cảm xúc vốn ám ảnh tâm thức người Việt cả nghìn năm qua để có một cái nhìn thực sự khách quan về những gì mà chúng ta cần làm trong tương lai. Hiểu được những gì đang xảy ra xung quanh vừa giúp chúng ta không bị tách rời khỏi thực tại, và cũng vừa giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho một tương lai đầy biến động phía trước.

Image: Reuters connect WASHINGTON, D.C., UNITED STATES (LSTV) – Chính quyền Biden đã công bố hôm nay họ sẽ xóa thêm 4,28 tỷ đô la