Các nhà khoa học EU hôm nay cho biết tháng 7 là tháng nóng nhất thế giới, với nhiệt độ đo được cao bất thường ở nhiều vùng từ Phần Lan đến Hoa Kỳ. Họ cũng nói rằng bảy năm qua là giai đoạn dài cho thấy trái đất đang nóng dần vì lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng cao làm thay đổi khí hậu khắp hành tinh.
Theo bà Freja Vamborg, nhà khoa học cao cấp của Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus trực thuộc Liên Âu thì nhiều khu vực trên thế giới xuất hiện hiện tượng thời tiết khắc nghiệt kể từ tháng 7 năm nay, báo hiệu các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn và trầm trọng hơn, đồng thời với nhiều cơn bão trút mưa dữ dội. Đợt nắng nóng kỷ lục làm bùng phát các đám cháy rừng ở Hoa Kỳ và Canada bắt đầu từ tháng 6 đã làm chết hàng trăm người. Tại Trung Quốc, Bỉ và Đức, mưa lớn kéo dài gây lũ lụt chết người.
Các nhà khoa học cho hay vùng phía bắc Australia và các quốc gia Bắc Phi đang nóng kỷ lục, và nói rằng sẽ không ai ngạc nhiên trước hiện tượng nóng dữ dội kéo dài khắp hành tinh trong tương lai. (LSTV)