Hội nghị thượng đỉnh của khối G7, tức 7 quốc gia cường thịnh nhất trên thế giới , bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp Đức, Ý và Nhật đã chính thức khai trương cuộc họp mà lần đầu tiên sau hơn 1 năm đại dịch, các nhà lãnh đạo đã ngồi lại với nhau mà không nhìn nhau qua màn ảnh vì tình trạng giãn cách xã hội.
Nhiều đề tài quan trọng thường được khối G7 họp hội nghị hàng năm để tìm phương hướng và cùng nhau giải quyết, với lý do, toàn thể 7 quốc gia này đều có tổng sản lượng nội địa và có nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng như chịu trách nhiệm cho rất nhiều sự biến đổi, từ khí hậu cho đến guồng máy mậu dịch toàn cầu. Mỗi một quốc gia nếu bị ảnh hưởng, sẽ kéo theo các quốc gia còn lại và cả thế giới đều chịu ảnh hưởng chung. Việc gặp gỡ nhau hàng năm, cũng nhằm cho các thành viên trong khối đề ra những thử thách mà quốc gia họ đang đương đầu, đồng thời yêu cầu các thành viên cùng chung một phương hướng để hòa đồng làm việc.
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay khác nhiều so với thời kỳ của TT Trump khi Hoa Kỳ chủ trương chính sách nước Mỹ trên hết và yêu cầu các quốc gia khác phải đóng góp nhiều hơn nếu muốn Hoa Kỳ giữ chân trong khối và tiếp tục hỗ trợ. Cựu TT Trump từng tuyên bố Liên Hiệp Châu Âu chỉ là một kẻ thù, không phải là bạn của nước Mỹ, thậm chí còn ca ngợi chính quyền Nga, vẫn đang là đối thủ của khối G7. Chính sách nước Mỹ trên hết hay America first đã gây ảnh hưởng đến diện mạo của Hoa Kỳ trong 4 năm qua, nhưng trong cuộc thăm dò mới nhất, thế giới đã có cái nhìn lạc quan hơn với nước Mỹ hôm nay sau khi thấy nước Mỹ có vị tân lãnh đạo ôn hòa hơn và sẵn lòng trở lại làm việc chung với cộng đồng quốc tế. Đó cũng là quan điểm của TT Joe Biden khi ông xuất hiện trong cuộc họp quốc tế đầu tiên với khẩu hiệu, nước Mỹ đã trở lại, ông muốn hàn gắn trở lại những hậu quả tiêu cực trong chính sách Hoa Kỳ để lại trong 4 năm qua. Vào tháng 2 qua, trong bài diễn văn trình bày trước hội nghị an ninh Munich, TT Biden tuyên bố, những năm qua là thử thách cho quan hệ giữa Hoa Kỳ với các quốc gia xuyên Đại Tây Dương, nhưng giờ đây Hoa Kỳ đã quyết tâm để trở lại làm việc chung với Châu Âu.
TT Joe Biden đến Anh Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 mang theo chính sách mà ông đã từng cam kết khi ra tranh cử tổng thống, đó là chiến đấu với tình trạng bầu khí quyền bị hâm nóng, hay thay đổi khí hậu và thứ hai là tìm ra phương cách đề phòng ngừa tránh để tình trạng đại dịch xảy ra lần nữa. Ngoài ra TT Biden sẽ còn gặp thử thách khi tìm cách thuyết phục đối tác Châu Âu trong khối là Hoa Kỳ sẽ làm việc chung hướng, nhưng trước nhất ông đã thành công một phần khi các thành viên Châu Âu ủng hộ mức thuế cơ bản 15% nhắm vào các đại công ty toàn cầu như Amazon, Facebook, Microsoft, Apple…
Thử thách đầu tiên mà khối G7 đang cần đáp ứng là theo yêu cầu của tổ chức y tế thế giới và Unicef hay Quĩ cứu trợ nhi đồng LHQ, các quốc gia giàu có nên chia sẻ số thuốc chủng mà họ đang có hoặc dư thừa với các nước nghèo. Trước khi đến Anh, TT Biden đã tuyên bố sẽ mua 500 triệu liều thuốc chủng từ Pfizer để cung cấp cho quĩ thuốc chủng COVAX thế giới.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV