Để hội đủ điều kiện trở thành một nơi đáng sống nhất trên thế giới, các chuyên gia về kinh tế và nhân sinh đưa ra 30 tiêu điểm bao gồm, văn hóa, môi trường, giáo dục, y tế, hạ tầng cơ sở… để giúp cho một người hay một gia đình có được một đời sống thoải mái, từ vật chất đến sinh hoạt, suy nghĩ, làm ăn, đầu tư, chính trị.. Để công bố bảng xếp hạng những thành phố đáng sống nhất trên thế giới, tạp chí kinh tế gia không chỉ trình bày về điểm lạc quan, nhưng còn những điểm tạo ra thử thách cho bất cứ chính phủ nào, thực sự quan tâm đến đời sống của người dân. Điểm đáng chú ý trong bảng xếp hạng 10 thành phố đáng sống nhất trên thế giới, Úc chiếm đến 4 thành phố gồm Adelaide, Perth, Melbourne và Brisbane. Nhật có hai thành phố gồm Osaka và Tokyo, mặc dù gần đây, tình trạng lây nhiễm đang gia tăng. Thụy Sĩ có hai thành phố gồm Zurich và Geneva, Auckland của Tân Tây Lan xếp số một trên toàn thế giới là nơi đáng sống nhất, thành phố Wellington của Tân Tây Lan xếp hạng Tư.
Đặc biệt trong cuộc nghiên cứu để đưa ra bảng xếp hạng các thành phố đáng sống nhất trên thế giới, các chuyên gia đã đưa vấn đề đại dịch trở thành tâm điểm để tìm hiểu xem, chính phủ đã có những hành động cụ thể nào đáp ứng với trường hợp khẩn cấp, nhằm tạo sự ổn định trên nhiều lãnh vực, giúp cho người dân sớm trở lại đời sống bình thường. Vì đại dịch, nhiều thành phố Châu Âu từng xếp hạng cao những năm trước đây, lần này đã rớt điểm hạng, thí dụ như Vienna của Áo, liên tục được xếp đầu bảng những năm trước, riêng năm nay tụt xuống hạng 12. Ngược lại nhiều thành phố của Úc, Tân Tây Lan và Nhật Bản lại không bị ảnh hưởng nhiều từ đại dịch, không bị phong tỏa, để cho thấy hệ thống y tế rất tốt và giúp cho số người bị nhiễm bệnh rất thấp.
Tại Mỹ, Honolulu, thủ phủ của tiểu bang Hawaii từ hạng 46 năm trước, đã nhảy lên hạng 14 năm nay, nhờ chính quyền tiểu bang thành công trong nỗ lực kiềm chế dịch lây lan, cũng như đẩy mạnh tiến trình chích ngừa cho người dân.
Châu Á tiếp tục xếp hạng thấp hơn nhiều so với các quốc gia ở vùng Bắc Mỹ và Tây Âu, ngoại trừ Tân Tây Lan, Úc hay Nhật Bản.. các quốc gia như Bangladesh, Pakistan, vẫn là những nơi tệ nhất để sống.
Mục tiêu của bảng xếp hạng 140 thành phố đáng sống hay không đáng sống nhất trên thế giới, theo tạp chí kinh tế gia, là để giúp cho các vị lãnh đạo doanh nghiệp chọn lựa nơi lý tưởng hay thích hợp để đầu tư. Các công ty sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về nhân viên, qua đó, đưa ra các chính sách công bằng và thích hợp nếu cần thiết để thuê mướn hay dời đổi nguồn nhân lực. Các công ty có thể dựa trên bảng xếp hạng này để đưa ra bảng lương thích hợp, cũng như đo lường được mức chi tiêu tùy theo bảng xếp hạng của thành phố. Thế nhưng quan trọng hơn cả là các chính phủ nếu thực sự quan tâm đến đời sống của công dân, họ sẽ so sánh đời sống của người dân họ đối với các thành phố xếp hạng tốt nhất trên thế giới, qua đó đưa ra các chính sách thích hợp để cải thiện sinh hoạt của thành phố ngày càng tốt đẹp hơn. Riêng với những ai thích du lịch, hay muốn chọn một thành phố lý tưởng để sinh sống, cũng có thể dựa vào chi tiết của các tiêu điểm chọn lọc, qua đó, hiểu được thành phố mà họ muốn đến hội đủ những điều kiện nào tốt nhất cho một người dân sinh sống và lập gia đình.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV