Menu

100 ngày biểu tình đòi dân chủ của người dân Miến Điện (xem Video)

Trong cuộc thi hoa hậu hoàn vũ tối qua trong mục trang phục tự chọn, người ta thấy thí sinh đại diện cho nước Miến Điện đã giơ cao một tấm bảng ghi dòng chữ: “hãy cầu nguyện cho Miến Điện. Thí sinh tên Ma Thuzar Wint Lwin, cũng là người trong thời gian qua vận động cho nền dân chủ và hòa bình thực sự cho Miến Điện và chống lại những hành vi giết chóc từ nhà cầm quyền quân phiệt Miến.

Hôm Thứ Tư 12 tháng 5 vừa qua, là tròn 100 ngày khi người dân Miến Điện xuống đường biểu tình đòi dân chủ thực sự cho đất nước, vì trong cuộc bầu cử năm 2020, phe quân Phiệt đã lật ngược kết quả bầu cử mà phần thắng nghiêng về phía bà Aung San Suu Kyi, để chiếm độc quyền lãnh đạo và đưa cả nước Miến Điện rơi vào khủng hoảng chính trị. 

Vào ngày 19 tháng hai, trong cuộc biểu tình đầu tiên, một viên đạn do cảnh sát chống bạo động bắn ra đã khiến một thanh niên tử vong, khơi mào cho các cuộc biểu tình rộng khắp Miến Điện đến hôm nay, thế nhưng đổi lại, 780 người biểu tình đã hy sinh trong cuộc chiến đòi dân chủ. Chỉ riêng từ ngày 27 tháng 3 đến nay, 114 người biểu tình đã bị lực lượng an ninh và quân đội Miến bắn chết, với nỗ lực kìm hãm sự nổi dậy của người dân. Thực ra số người chết, bị thương hay đang bị cầm tù, thế giới không thể biết chính xác vì mọi nguồn tin đã bị quân phiệt Miến Điện ngăn chặn, nhiều ký giả đã bị bắt vì tìm cách chụp ảnh hoặc đưa tin và các cuộc biểu tình. 

Vào ngày 24 tháng Tư, hội nghị các quốc gia Đông Nam Á gọi là ASEAN đã nhóm họp tại thủ đô Jakarta của Nam Dương và thông qua 5 bước cần thiết để giúp vãn hồi trật tự cho Miến Điện nhưng cho đến nay, không ai tin là nhà cầm quyền quân phiệt Miến sẵn sàng thi hành các điểm, bao gồm việc trả tự do cho nhà tranh đấu dân chủ Aung San Suu Kyi.

Hiện nay bà Suu Kyi tiếp tục bị quản thúc tại gia như bà đã từng chịu án 1 thập niên trước vì kêu gọi dân chủ cho Miến Điện. Hiện nay bà đang đương đầu với các cáo buộc đòi lật đổ chính quyền Miến với mức án tù lên đến 14 năm. 

Các cuộc biểu tình diễn ra trong hơn 100 ngày qua khởi đầu từ thủ đô Naypyidaw, nhưng sau đó lan sang các vùng ngoại ô và hôm nay đã có sự tham gia của các nhóm dân quân trong cộng đồng thiểu số Miến Điện. Đây là phần du kích quân mà quân đội Miến đã không thể kiểm soát được từ nhiều thập niên qua, càng khiến cho tình hình an ninh cho Miến Điện thêm căng thẳng. Những vụ tấn công bằng bom tự chế lẻ tẻ bên trong các thành phố lớn nhắm vào trụ sở của quân đội Miến thường xuyên xảy ra, mặc cho quân đội Miến tuyên bố họ đồng ý ngừng bắn và giải quyết xung đột thông qua đối thoại. Tuy nhiên người dân không muốn đối thoại một khi bà Suu Kyi vẫn bị giam cầm và những chiếc ghế quốc hội ủng hộ dân chủ rộng hơn ở quốc hội do dân bầu ra bị quân đội Miến phủ nhận. 

Mới đây, một lực lượng mang tên National Unity Government hay Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia được thành lập nhằm mục tiêu nối kết các đảng phái chống quân đội, và đứng phía sau ủng hộ cho bà Aung San Suu Kyi.

Quân đội Miến thất bại trong cuộc bầu cử năm  ngoái dẫn đến nỗi sợ hãi, bà Aung San Suu Kyi ngày càng thêm quyền lực để dần dần giải tán quân đội Miến thay thế bằng những nhân vật lãnh đạo quân đội mang đầu óc dân chủ hơn. 

Mặc dù chính phủ Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu lên án vụ quân đội cướp chính quyền trong tay bà Aung San Suu Kyi, ra các lệnh cấm vận nhắm vào các nhân vật cầm quyền quân đội, nhưng mức ảnh hưởng phần lớn là vào người dân. Do tình trạng xung đột diễn ra hầu như hàng ngày, nền kinh tế Miến Điện rơi vào suy thoái đã khiến đời sống người dân, cũng như nỗ lực cải tiến đất nước hoàn toàn gặp thất bại. 

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV