Các nhà ngoại giao của nhóm 7 quốc gia phát triển, G7 đã họp trực tiếp để thảo luận cách đối phó với sự thách thức của Trung Quốc và Nga. G7 được thành lập năm 1975, trở thành diễn đàn của khối các quốc gia Tây phương để thảo luận về các cuộc khủng hoảng như lệnh cấm vận dầu mỏ của OPEC, nay là đại dịch Covid-19 và tác động của sự biến đổi khí hậu. Hôm thứ Hai, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng chương trình nghị sự hàng đầu của G7 lần này là đẩy lùi tham vọng thay đổi trật tự thế giới của Trung Quốc.
Trọng tâm cuộc thảo luận hôm thứ Ba xoay quanh cuộc diễn tập quân sự của Nga ở biên giới Ukraine và việc bắt giam lãnh tụ đối lập Alexei Navalny. Sự trỗi dậy ngoạn mục về kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong 40 năm qua được G7 coi là sự kiện chính trị quan trọng nhất trong thời gian gần đây.
Nga đã gia nhập nhóm G7 năm 1997, đã đổi tên thành G8 nhưng bị loại vì vụ sáp nhập Crimea của Ukraine năm 2014. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chưa bao giờ là thành viên của G7. Ngoài các thành viên Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Hoa Kỳ, G7 đã mời các ngoại trưởng Australia, Ấn Độ, Nam Phi và Nam Hàn tham dự cuộc họp lần này. (LSTV)