Với những ai từng bày tỏ sự nghi ngờ trước chính sách đối ngoại dễ dãi hoặc thả lỏng đối với Trung Quốc của TT Joe Biden trong quá khứ, có thể phần nào được trấn an bằng bài diễn văn trước quốc hội tối Thứ Tư vừa qua. Ngay khi đắc cử và những ngày đầu tiên vào tòa bạch ốc, người ta thấy rõ chính sách đối ngoại của TT Biden nhắm vào Trung Quốc cương quyết hơn, không những chỉ vào vấn đề mậu dịch mà còn vấn đề nhân quyền, một trong những đề tài cộng đồng người Việt rất quan tâm.
Kể từ khi Trung Quốc khởi động tiến trình xây dựng và lấn chiếm các vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tuyên bố đường biển 9 đoạn, mà người Việt quen gọi là đường Lưỡi Bò, thì phong trào chống Trung Quốc từ trong nước ra đến hải ngoại đã gia tăng, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Trong nước, phong trào bài Trung Quốc trong lòng người dân Việt Nam đã dẫn đến sự thay đổi chính sách một cách cẩn trọng từ phía nhà cầm quyền Hà Nội, qua đó, Việt Nam hiện đang muốn tìm cách né tránh tầm ảnh hưởng quá nhiều từ chính trị đến mậu dịch của Trung Quốc, và làm thế nào để tránh chọc giận đàn anh Trung Quốc, khi Việt Nam vẫn tiếp tục chủ trương con đường xã hội chủ nghĩa và độc tài toàn trị như Trung Quốc.
Một trong những thí dụ điển hình về sự căng thẳng trong tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Việt Nam, là khi biết Việt Nam gia tăng củng cố quân sự các bãi cạn trong vùng biển tranh chấp, ngay lập tức, Trung Quốc đã cử bộ trưởng quốc phòng Ngụy Phượng Hòa sang thăm, mặc dù tin tức thì cho rằng, chính phía Việt Nam đưa lời mời phía Trung Quốc, nhưng mọi người đều hiểu rõ, phía Trung Quốc luôn dằn mặt phía Việt Nam khi thấy có bất cứ hành động nào có thể gây ảnh hưởng đến quyền lực, nhất là quyền tuyên bố chủ quyền vùng biển 9 đoạn. Tin tức từ phía Việt Nam có nhắc đến những bất đồng giữa hai bên, nhưng ngôn từ ngoại giao từ phía Việt Nam vẫn là, giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Đó là trích đoạn nguyên văn bài báo của nhà cầm quyền VNCS.
Trong bài diễn văn của TT Joe Biden, ông đề cập nhiều lần đến mối đe dọa của Trung Quốc, bao gồm cạnh tranh về công nghệ, kỹ thuật số, nhưng quan trọng hơn cả theo ông Biden là hồ sơ nhân quyền mà ông nhấn mạnh, trong tâm trí của Tập Cận Bình và những nhà lãnh đạo khác, là dân chủ sẽ không thể cạnh tranh được với độc tài trong thế kỷ thứ 21 này. Nền dân chủ của Hoa Kỳ bị đe dọa theo TT Biden là khi nhóm côn đồ đã tấn công vào tòa nhà quốc hội chỉ vì tin tưởng vào người lãnh đạo tiếp tục tố cáo cuộc bầu cử của Hoa Kỳ đã bị gian lận, và hình ảnh này đã làm xấu đi vai trò lãnh đạo về dân chủ của Hoa Kỳ trên toàn thế giới, qua đó, tạo nên sự tin tưởng của Trung Quốc là Hoa Kỳ đã đi sai hướng, mà đường đi đúng là chế độc độc tài toàn trị như hiện nay mà Tập Cận Bình lãnh đạo. TT Biden nhắc đến sự quan trọng của việc bảo vệ an ninh không những cho Hoa Kỳ mà cho cả thế giới, đương đầu với những thử thách từ Trung Quốc, bao gồm tranh chấp đường biển ở vùng Châu Á Thái Bình Dương, mà dù không nhắc đến Việt Nam, nhưng rõ ràng, Hoa Kỳ quan tâm đến các bất đồng và mâu thuẫn hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo tin tức từ tòa bạch ốc, trong những ngày tháng sắp tới, nỗ lực của TT Biden là củng cố và cổ vũ dân chủ ở nước ngoài và từ nay đến cuối năm, chính phủ của ông sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về dân chủ, nhằm mục tiêu mời các quốc gia xem trọng dân chủ để làm nền tảng đối đầu với những thử thách về dân chủ của thế kỷ 21.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV