Ô nhiễm môi sinh, song song với phát triển kinh tế vẫn là mối quan tâm hàng đầu và ưu tiên trên toàn thế giới hiện nay. Tiến trình giảm thiểu khói thải gây hiệu ứng bầu khí quyền quả đất bị hâm nóng, mặc dù vẫn đang diễn ra nhưng không được trọn vẹn vì lý do Hoa Kỳ dưới thời của TT Trump đã rút ra khỏi hiệp ước Paris và Kyoto, nhằm nỗ lực đưa cả thế giới đi cùng hướng. Tuy nhiên ngay khi vừa vào tòa bạch ốc, TT Joe Biden đã cử cựu TNS John Kerry lãnh đạo phái đoàn của Hoa Kỳ, tham gia trở lại hiệp ước giảm khói thải và ngày hôm nay, Hoa Kỳ đã đứng ra trụ trì hai ngày thảo luận giữa các giới chức lãnh đạo khắp 5 châu, không ngoài nỗ lực, thứ nhất, tuyên bố chính thức Hoa Kỳ trở lại bàn hội nghị và thứ hai, kêu gọi các quốc gia cùng tham gia vào nỗ lực giảm khói thải.
Hoa Kỳ hiện vẫn là quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới vì vậy cũng là quốc gia chiếm tỉ lệ ô nhiễm môi sinh nhiều nhất, TT Biden đã hứa hẹn và cam kết cắt giảm lượng khói thải trong khoảng từ 50 đến 52% từ nay đến năm 2030, đi kèm trong chính sách tái thiết hạ tầng cơ sở trị giá hơn 2 ngàn tỷ mỹ kim, mà quốc hội hiện đang xem xét.
Tham gia hội nghị thượng đỉnh về môi sinh toàn cầu, còn có sự hiện diện của chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin, mặc dù hai nhà lãnh đạo này vẫn đang có nhiều hục hặc với Hoa Kỳ, liên quan đến tranh chấp mậu dịch và tin tặc.
Với việc Hoa Kỳ tổ chức hội nghị thượng thượng đỉnh về biến đối khí hậu hôm nay, bà thủ tướng Angela Merkel cùng nhiều nhà lãnh đạo phương tây khác đã lên tiếng ca ngợi nỗ lực này, cho rằng, thế giới cần có sự hiện diện của Hoa Kỳ nếu muốn đạt được kết quả từ hiệp ước Paris. Theo lời bà Merkel, cam kết mà Hoa Kỳ đưa ra cho thấy tầm quan trọng như thế nào đối với nỗ lực giảm khói thải trong cộng đồng thế giới.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres cũng ca ngợi sự cam kết của Hoa Kỳ cho rằng, Mẹ thiên nhiên không thể chờ con người được nữa, vì trong 10 năm qua là thời điểm nóng nhất của quả đất. Mối nguy hiểm của bầu khí quyển bị hâm nóng đã tăng cao nhất trong vòng 3 triệu năm qua, mà nếu nhiệt độ quả đất tiếp tục tăng lên nữa thì hậu quả sẽ tàn khốc, quả đất đang ở ngưỡng cửa của sự tàn phá đó.
Bên cạnh cam kết của Hoa Kỳ, Canada cũng hứa hẹn cắt giảm được lượng khói thải xuống còn phân nữa từ nay đến năm 2030. Thủ tướng Trudeau tuyên bố, Canada đã tăng thêm nguồn đầu tư để đạt được cam kết giảm khói thải, thậm chí nỗ lực này tiếp tục được thực hiện sẽ giúp nguồn ô nhiễm xuống 0% vào năm 2050.
Trung Quốc hiện là quốc gia đứng thứ nhì sau Hoa Kỳ có lượng khói thải gây ô nhiễm cao nhất thế giới, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc hoàn toàn cam kết tham gia vào tiến trình giảm thiểu khói thải chung trên toàn cầu, đồng thời cổ vũ cho một hệ thống môi sinh công bằng và bình đẳng để đạt được sự hợp tác mang chiến thắng chung cho thế giới.
Có tất cả 40 nhà lãnh đạo các quốc gia nằm trong nhóm gây ô nhiễm môi sinh nhiều nhất trên thế giới đã cùng tham gia hội nghị thượng đỉnh, và từng ký kết tham gia vào hiệp ước giảm khói thảm Paris trước đây. Chính phủ của TT Biden hy vọng với việc tổ chức hội nghị về môi sinh này, sẽ giúp khởi động lại mối cam kết trong nỗ lực giảm thiểu khói thải trên toàn cầu mà Hoa Kỳ phần nào đã thụt lùi trong 4 năm qua vì rút ra khỏi hiệp ước Paris.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV