Menu

Cuộc nghiên cứu máu để “Cải Lão Hoàn Đồng” (Video)

 Một cuộc nghiên cứu của trường đại học danh tiếng Stanford của California vào năm 2011 đến 2014 cho thấy, máu của những con chuột bạch còn nhỏ trong phòng thí nghiệm sau khi được chuyển sang cho những con chuột già đã có những phản ứng bất ngờ, đó là giúp não của những con chuộc già dần dần được trẻ hóa. Khám phá sơ khởi này đã tạo ra một loạt những giả thuyết và nghiên cứu mới được gọi là Geroscience, có nghĩa là môn khoa học nghiên cứu về lão hóa nhằm tìm hiểu tế bào của con người phản ứng như thế nào trong cơ thể của những người già, và tại sao lại tạo ra những căn bệnh trầm kha, nhất là khi tuổi của con người ngày càng tăng. 

Tại Tây Ban Nha, một công ty Grifols vào năm ngoái đã ra giá gấp đôi cho bất cứ ai hiến máu trong cuộc nghiên cứu về Covid-19, thế nhưng trên thực tế,  nỗ lực tìm ra thuốc chủng chống lại Coronavirus không thành công, các nhà khoa học lại tìm ra nhiều điều mới liên quan đến tế bào máu trong cơ thể con người, nhất là từ máu của những người trẻ đã tìm hiểu xem có cách nào tiến tới việc cải lão hoàn đồng hay không. 

Vào đầu năm nay, công ty Grifols đã đầu tư 146 triệu mỹ kim để mua lại công ty Alkahest do nhà khoa học Tony Wyss-Coray của trường Stanford thành lập và cũng là phòng thí nghiệm khám phá máu của chuột bạch con giúp trẻ hóa não của những con chuột bạch già. Trong vòng 6 năm qua, công ty Alkahest đã định ra hơn 8000 chất đạm hay protein trong máu cung cấp tiềm năng vào việc trị liệu máu cho người già, không chỉ vấn đề trẻ hóa mà còn nhiều khả năng giảm thiểu những căn bệnh nan y trong người già, từ đãng trí đến chứng run giật tay chân… 

Không chỉ riêng công ty Alkahest mà hiện nay nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới cũng đang chạy đua để tìm kiếm phương cách cải lão hoàn đồng, nhất là nghiên cứu về máu của người trẻ để làm thế nào khi thay đổi tế bào và đưa vào máu của người già sẽ giúp trí não của họ dần được cải thiện. 

Môn khoa học nghiên cứu về bệnh già hay Geroscience, hiện đang tìm hiểu những chứng bệnh hiện nay như tim, cao mỡ, đãng trí, run giật, ung thư… đang có mối liên hệ như thế nào với tuổi giả. Mục tiêu của các nhà khoa học là làm thế nào để sửa đổi tiến trình lão hóa, hoặc ít nhất làm chậm đí tiến trình lão hóa trong cơ thể hoặc làm giảm tầm ảnh hưởng của các chứng bệnh gây già nua cơ thể một cách trực tiếp. 

Trong quá khứ các cuộc nghiên cứu đều cho thấy tiến trình sinh lão bệnh tử diễn ra một cách rất bình thường trong nhân loại, nhưng điều mới ở đây là, các nhà khoa học có khả năng đo lường được tiến trình lão hóa, khám phá được tiến trình này và tìm cách kiềm chế được chúng.  Điều này cho thấy, quan điểm về việc lão hóa không thể thay đổi, đang trở thành một nghi vấn, vì khoa học đã tìm ra những phương thuốc trị bệnh cao mỡ hay những chứng bệnh khác, trực tiếp làm giảm tuổi thọ của con người, vì thế con người ngày nay sống lâu hơn các thế hệ trước, nhưng các nhà khoa học muốn đi xa hơn nữa để tìm ra phương cách giúp con người sống lâu trăm tuổi, là điều mà họ tin là có thể thành hiện thực trong tương lai. 

Vào năm 1993, bà Cynthia Kenyon, nhà nghiên cứu sinh học của trường California San Francisco đã khám phá cách tăng tuổi thọ của con trùng lên gấp đôi sau khi sửa đổi một đoạn di truyền thể của chúng. Từ đó, người ta nghĩ đến việc, qua thuốc uống, có thể giúp tăng tuổi thọ mà không cần phải chữa bệnh trước. Cuộc nghiên cứu này cho thấy khả năng, tuổi thọ của con người có thể được sửa đổi, qua phương cách mà tiếng Anh gọi là Bio-hacking, sửa đổi di truyền thể hay tế bào trong con người đã giúp chúng không bị đào thải, thậm chí các tế bào này sống lâu hơn và sinh sản tốt hơn.  

Mặc dù còn xa trong tương lai nhưng các nhà khoa học tin tưởng trong tương lai con người sẽ sống lâu hơn 100 tuổi, thậm chí nhiều chứng bệnh nan y như đãng trí sẽ chỉ là chuyện của quá khứ.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV