Một trong những tin gây chấn động cho thế giới một tuần qua là vụ chiếc tàu chở hàng Ever Given bị kẹt ngay giữa kênh đào Suez khiến hàng tỉ mỹ kim hàng hóa không thể đến tay người tiêu thụ và các công ty cần nhu liệu thô để sản xuất. Dù hôm nay tàu đã được giải cứu khỏi bị kẹt và luồng giao thông huyết mạch của kênh đào Suez đang mở lại, thế nhưng sự thiệt hại do tàu kẹt vẫn còn tồn đọng, chưa kể là công ty vận tải của tàu Ever Given sẽ đương đầu với những vụ kiện đòi bồi thường sắp tới.
Kênh đào Suez do con người tạo ra để lập ra một huyết mạch giao thông vô cùng quan trọng giữ châu phi và châu á, chiếm khoảng 12% tổng số hàng hóa trao đổi mậu dịch toàn cầu. Riêng với nguồn nhu liệu thô như khí đốt, dầu hỏa đã chiếm từ 5 đến 10% số hàng vận chuyển toàn cầu. Số hàng còn lại bao gồm vải vóc, quần áo, hàng trang trí nội thất, phụ tùng xe hơi, thậm chí máy tập thể dục…
Tàu chở hàng mặc dù mang tên là Ever Given, thế nhưng trên thân chiếc tàu lại được ghi là Evergreen, lý do chiếc tàu này do công ty Đài Loan Evergreen Marine Corp làm chủ. Công ty có tất cả 39 chiếc và 20 chiếc đặt tên bắt đầu là Ever. Chiếc Ever Given có chiều dài 400 thước, khi di chuyển vào Thứ Ba tuần trước đã gặp phải điều kiện thời tiết bất thường, khi gió thổi mạnh qua kênh đào, khiến thuyền trưởng không tài nào bẻ lái chống lại luồng gió. Hậu quả chiếc tàu bị gió thổi khiến đầu qua sang bờ kè rồi kẹt lún trong cát ở vùng nước thấp. Cả chiều ngang của kênh đào Suez cũng chỉ hơn chiều dài chiếc tàu là 400 thước nên xem như hai ngả lưu thông đều bị khựng lại toàn bộ. Tàu Evergreen đang đưa 20 ngàn kiện hàng từ châu á để đến thành phố Rottendam ở Hà Lan rồi đi tiếp đến Suffolk của Anh Quốc.
Mỗi một ngày, số tàu hàng đi ngang qua kênh đào Suez mang theo khoảng 5,1 tỉ mỹ kim hàng hóa, hay mỗi giờ lên đến 400 triệu mỹ kim nguồn hàng không thể giao kịp cho các nơi cần hàng để sản xuất. Vì không ai biết rõ khi nào tàu mới được giải thoát nên nhiều chủ tàu quyết định phải rời bỏ kênh đào Suez và đi về hướng Sừng Châu Phi, mất thêm từ 7 đến 9 ngày nữa. Có đến 12% nguồn hàng hóa đã bị trì trệ và gây tổn thất cho nhiều chủ nhân công ty không có nhu liệu thô để bán và sản xuất hàng cho người tiêu thụ. Chưa kể đến việc là cho dù hôm nay kênh đào đã lưu thông trở lại nhưng mỗi ngày chỉ có khoảng 106 chiếc qua được mà thôi, vì đóng cửa đến 6 ngày, nên sẽ phải cần thêm 6 ngày để số tàu kẹt mới được giải tỏa.
Không chỉ tàu chở hàng mà ngay cả những tàu đưa những kiện hàng trống rỗng trở về Trung Quốc cũng bị trì hoãn, vì thế, tại Trung Quốc, hiện đang thiếu hụt container để giao hàng, càng gây khó khăn, nhất là nơi sản xuất hàng từ Trung Quốc. Trung Quốc không xuất hàng được thì Hoa Kỳ lại bị ảnh hưởng vì hàng chậm trễ, nhất là các công ty cần phụ tùng xuất cảng từ Trung Quốc và ráp nối tại Mỹ. Hiện nay các đại công ty Mỹ như Nike, Footlocker, Tesla, William Sonoma đều cho biết, nhiều mặt hàng họ không có để bán vì vụ kẹt kênh đào Suez, chắc chắn gây tổn thất cho doanh thu, nhất là tiền lời. Tin tàu bị kẹt đã khiến thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và toàn cầu phản ứng tiêu cực trong tuần qua. Chỉ có một điều may mắn là vụ tàu kẹt không xảy ra vào mùa mua sắm giáng sinh, nếu không thiệt hại về tài chánh sẽ lên gấp bội cho cả thế giới.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV