Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đi vào một giai đoạn đối đầu mới khi đại diện hai nước gặp gỡ nhau trong cuộc hội đàm lần đầu tiên kể từ khi tòa bạch ốc thay ngôi đổi chủ.
Mối quan hệ giữa hai quốc gia có nền kinh tế nhất nhì trên thế giới đã luôn căng thẳng trong suốt hơn 4 năm trời qua, đặc biệt là về mậu dịch, khi cựu TT Trump tăng thuế vào các mặt hàng của Trung Quốc để tạo áp lực Bắc Kinh phải gia tăng việc tiêu thụ hàng hóa Mỹ, nhằm tạo lại thế cân bằng về mậu dịch, khi Hoa Kỳ đang chịu mức thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc hàng năm hơn 500 tỉ mỹ kim.
Trong báo cáo mới nhất của cơ quan tình báo Hoa Kỳ, Trung Quốc đã không nhúng tay vào việc can dự bầu cử Mỹ, theo đó, quan điểm của phía Trung Quốc vẫn muốn cải thiện mối quan hệ giữa hai cường quốc, dù người lãnh đạo của nước Mỹ là ai, vì thế, phía Trung Quốc vẫn muốn đàm phán hơn là đối đầu vì không có lợi cho ai.
Trong thời gian qua, ngoài mậu dịch, những hành động của Bắc Kinh đã khiến thế giới quan tâm và lên án bao gồm đưa cải tạo hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương, thông qua luật mới về bầu cử nhằm bảo đảm Bắc Kinh siết chặt quyền cai trị đặc khu Hồng Công, không cho phép người Hồng Công được quyền chọn lựa người lãnh đạo như đã từng thảo thuận với Anh Quốc khi giao trả Hồng Công năm 1997. Trung Quốc tiếp tục vi phạm nhân quyền ở vùng Tây Tạng, trong khi tiếp tục xây dựng và bành trướng các căn cứ quân sự ở vùng biển Nam, phía Việt Nam cho đây là hành động công nhận chủ quyền vùng Biển Đông một cách bất chính. Những hành động này đã khiến chính quyền TT Joe Biden đặt ra trong các chính sách mới đối đầu với Trung Quốc, bằng chứng là trước thềm cuộc hội đàm ở Alaska, bộ ngoại giao Hoa Kỳ công bố lệnh trừng phạt mới nhất nhắm vào 24 viên chức Trung Quốc, can dự trực tiếp vào các vấn đề vi phạm nhân quyền ở Hồng Công, Tân Cương và Tây Tạng.
Tham dự cuộc hội đàm đầu tiên ở thành phố Anchorage của Alasaka hôm nay, phía Trung Quốc có ngoại trưởng Vương Nghị và Ủy viên công tác ngoại sự của Trung Ương Đảng Cộng Sản Dương Khiết Trì. Phía Hoa Kỳ bao gồm ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, các đề tài sẽ được thảo luận bao gồm mậu dịch, nhân quyền ở Tây Tạng, Hồng Công, Tân Cương, vấn đề Đài Loan và vi phạm chủ quyền ở vùng Biển Đông.
Theo nhận định của các chuyên gia thời sự, vì đây là cuộc hội đàm đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khi tòa bạch ốc có tân chính phủ nên, cả hai bên đều không trông chờ sẽ đạt được những kết quả khích lệ nhằm giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng nhiều năm qua. Nhưng đây là cơ hội để tân chính phủ Biden chính thức trình bày cụ thể và rõ ràng những vấn đề mà Hoa Kỳ đang quan tâm từ mậu dịch đến nhân quyền và yêu cầu phía Trung Quốc cần giải tỏa. Vì đặt chân đến đất Mỹ để gặp gỡ giới chức Hoa Kỳ, phía Trung Quốc có thể chỉ đưa ra những đề nghị, nhằm giúp tạo thêm các cuộc thảo luận mới, mà theo quan điểm của Trung Quốc xưa nay là giải quyết từng vấn đề một và một cách song phương, có nghĩa là nếu anh nhường một bước thì tôi cũng sẽ nhường một bước. Nhân cơ hội cuộc gặp gỡ đầu tiên, phía Trung Quốc cũng sẽ trình bày quan điểm của Tập Cận Bình, muốn giải quyết những bất đồng bằng đường lối ôn hòa, và không xen lấn vào chuyện nội bộ của nhau.
Riêng về vấn đề mậu dịch, cuộc họp diễn ra vào thời điểm bộ thương mại Hoa Kỳ vừa mở cuộc điều tra nhắm vào một số các công ty Trung Quốc để liệu xem có vi phạm vào các vấn đề an ninh cho Hoa Kỳ hay không.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV