Chỉ còn khoảng 12 giờ đồng hồ nữa là TT Trump sẽ lên chiếc Air Force One rời khỏi tòa bạch ốc để về biệt thư Mar A Largo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ 150 năm qua, mà TT đương nhiệm đã không tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống đắc cử. Hơn 244 năm trong lịch sử nước Mỹ, chưa từng có một thời gian chuyển tiếp chính phủ đầy biến động như vậy. Thứ nhất là vì đại dịch Covid-19, thứ hai là đến giờ phút này, TT Trump vẫn không chấp nhận chiến thắng của ông Biden.
Hãng thông tấn Reuters gọi sự ra đi của TT Trump là một sự cay đắng, thù hận và đau khổ chưa từng có của một tổng thống Hoa Kỳ. Cay đắng vì thất bại khi tìm cách đưa ra đến 60 hồ sơ kiện tụng kết quả bầu cử, vững tin là các vị thẩm phán, từ tòa liên bang đến tòa tối cao pháp viện do chính mình lập nên, sẽ thuận theo ý của mình để không công nhận kết quả bầu cử mà phần thắng là thuộc về Joe Biden. Thù hận là vì ngay trong thời gian vận động tranh cử, TT Trump luôn lên tiếng chỉ trích, dèm pha, trêu chọc ông Biden, gọi ông là kẻ không hề làm gì ra trò, thất bại suốt 4 thập niên làm Thượng Nghị Sĩ, và sẽ là một vị tổng thống tệ hại.
TT Trump cũng không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ thua trước ứng viên mà ông cho là ngu đần và tệ hại nhất. Ông từng nói với cử tri, ông không tưởng tượng ra được hoàn cảnh mà ông sẽ phải thua trước ông Biden. Nhưng ở đời không ai nói được chữ ngờ, kết quả bầu cử đã cho thấy, ông Trump thua rất xít xao trước ông Biden, đều từ những tiểu bang mà ông đã từng thắng xít xao trước bà Hillary Clinton năm 2016. Điểm mà ông Trump không chấp nhận được là số cử tri bỏ phiếu cho ông còn nhiều hơn năm 2016, lên đến gần 75 triệu phiếu, ấy vậy, ông Biden vẫn vượt qua mặt ông đến 5 triệu phiếu và thắng tại những tiểu bang tranh chấp.
Vì không nghĩ rằng mình thua, nên trong tâm tưởng TT Trump ông vẫn tin là ông thắng, và tin rằng, chiến thắng của ông Biden phải đến từ sự gian lận phiếu bầu. Từ đó, bắt đầu ông tung ra những tin đồn và sai sự thật là các cuộc bỏ phiếu tại những tiểu bang mà ông thua là do sự gian lận. Thế nhưng từ vụ kiện nhỏ cho đến vụ kiện lên đến tòa tối cao pháp viện nhằm hủy bỏ số phiếu mà ông Biden thắng, tại Pennsylvania, Wisconsin, Georgia… từng ngày một từ ngày bầu cử 3 tháng 11, cho đến khi quốc hội chứng nhận phiếu cử tri đoàn, tất cả các vụ kiện đưa ra đều nhận sự phủ quyết của tòa án.
Thậm chí nhiều vụ kiện các tòa cũng không nhận thụ lý vì không có bằng chứng cho rằng có gian lận trong cuộc bầu cử. Sự thất bại từ những vụ kiện vẫn không thuyết phục TT Trump chấp nhận kết quả bầu cử, nhất là chấp nhận thua cuộc và gọi ông Biden là TT đắc cử, vì vậy, trên những thông điệp gửi đi, ông Trump vẫn gọi đây là kết quả gian lận và thề chiến đấu cho đến cùng.
Cuộc chiến cuối cùng của ông là vào ngày 6 tháng 1, khi quốc hội họp lại để chứng nhận kết quả bầu cử, mà ông Trump vẫn tin rằng, PTT Mike Pence vẫn có thể đảo ngược kết quả, để giành phần thắng cho ông. Kết quả không như thế, Mike Pence tuyên bố không thể đảo ngược, và kết quả TT Trump kêu gọi người ủng hộ kéo đến tòa nhà quốc hội để đòi phần thắng.
Tâm không phục và khẩu vẫn không phục, nhưng không thể làm gì khác hơn trước áp lực ngày càng tăng để phải rời tòa bạch ốc, TT Trump đành phải đưa ra thông điệp nhượng bộ, mặc dù trong thâm tâm, lòng thù hận và cay đắng vẫn tràn đầy. Đến giờ chót, ông vẫn muốn làm một điều gì đó để bày tỏ sự chống đối chính phủ của ông Biden, bằng cách là sẽ rời tòa bạch ốc bằng cách đến phi trường quân sự Andrew, trước giờ ông Biden tuyên thệ, kêu gọi những người ủng hộ hãy kéo đến tập trung đông đảo ở phi trường để tiễn chân ông.
TT Trump còn muốn có giàn pháo binh và binh sĩ từ giã ông theo kiểu một lãnh tụ chưa hề thất cử. TT Trump muốn sử dụng chuyên cơ Air Force One lần cuối, và vẫn muốn ông Biden nhìn thấy chiếc máy bay cất cánh trên bầu trời thủ đô DC, như một biểu tượng của sự bất phục.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV