Hình ảnh pháo bông chào đón năm mới được cả thế giới theo dõi tại hải cảng Sydney của Úc, làm tạm vơi đi phần nào nỗi muộn phiền do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, mà mọi người hiện mong mỏi thế giới mau sớm qua khỏi đại dịch, mang lại một đời sống bình thường như những năm trước.
Tại thủ đô Zurich của Thụy Sĩ, những nhà hoạt động từ thiện trong nhóm Coronazero, nhằm vận động cho đất nước thoát khỏi đại dịch, đã cùng tập trung chào mừng năm mới bằng cách thắp lên 886 ngọn nến, biểu tượng của 886 sinh mạng của người dân thủ đô Zurich đã ra đi vì Covid.
Theo lời anh Simon Gehren, nhóm hoạt động đang kêu gọi chính phủ Thụy Sĩ, bằng mọi cách phải kết thúc tình trạng tử vong, vì lý do, Thụy sĩ hiện là một trong những quốc gia có tỉ lệ tử vong vì Covid cao nhất thế giới, trong khi lại là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, và có đủ khả năng, từ khoa học, kỹ thuật, tài chánh cũng như quyền lực để kết thúc đại dịch.
Sự trông mong vào bàn tay của con người nhằm sớm chấm dứt đại dịch, thực ra cũng tùy vào khả năng của từng quốc gia, ngay cả Hoa Kỳ, một đại cường quốc trên thế giới, nhưng lại là quốc gia có số người nhiễm bệnh và tử vong cao nhất. Ngay cả khi có thuốc chủng, nhiều tiểu bang hiện vẫn chưa nhận được đầy đủ và nhanh chóng số thuốc chủng cần thiết để phân phối cho người dân. Chiến dịch Thần Tốc của chính phủ Hoa Kỳ công bố từ tháng 10 đến nay, vẫn diễn ra chậm chạp trong nỗ lực phân phối thuốc chủng, và đang gặp phải sự chỉ trích đến từ người dân và các tiểu bang.
Từ thủ đô Luân Đôn, Anh Quốc, nơi mà lễ hội chào mừng năm mới được tổ chức tưng bừng như ở New York hàng năm, giờ đây, mọi thứ như bị đóng băng, đi đến đâu, người ta chỉ thấy sự vắng lặng do tình trạng phong tỏa toàn bộ thủ đô vì tình trạng nhiễm dịch vẫn gia tăng ở mức chóng mặt, chưa kể là có thêm loại chủng mới, gây bệnh cho hàng ngàn người dân thủ đô và gây hoang mang cho cả thế giới.
Giới tiểu thương tại hầu hết các thành phố lớn đều nằm trong danh sách bị thiệt hại về tài chánh và kinh tế nặng nhất, theo lời một chủ nhân cửa hàng nhỏ ở Luân Đôn cho biết, là họ không biết làm sao để sống còn, với tình trạng đóng cửa liên tục gần cả năm nay, nhất là hầu như Luân đôn chưa từng ra khỏi tình trạng phong tỏa.
Một phụ nữ đi đường thì nghĩ rằng, việc đóng cửa này là cần thiết cho đến khi đại dịch đi qua, thực sự thì đóng cửa riết, mọi người cũng quen. (Hoàng Trọng Thụy LSTV)