Menu

Hệ thống giao dịch tài chánh toàn cầu SWIFT

HTT:  Kể từ khi Nga nhắm tấn công vào Ukraine, các nguồn tin đều đề cập đến hệ thống SWIFT, được đề nghị là một trong những phương cách trừng phạt trong lệnh cấm vận nghiêm trọng nhất, vì gây ảnh hưởng đến hệ thống tài chánh của Nga ngay lập tức. Thế nhưng thực tế, nói thì dễ nhưng đi vào thực hiện thì không đơn giản chút nào, vì khi cắt đứt nước Nga với hệ thống giao dịch toàn cầu SWIFT, thì không những Nga mà cả thế giới có thể bị ảnh hưởng lây, bao gồm Hoa Kỳ. 

SWIFT viết tắt từ chữ tiếng Anh là Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication, tạm dịch là Hệ thống giao dịch tài chánh toàn cầu, có trụ sở chính ở thành phố La Hulpe, nước Bỉ. Hệ thống này được xếp vào kỹ nghệ viễn thông, vì mục tiêu chính là giúp các ngân hàng trên thế giới có thể liên lạc với nhau thông qua một cách thống nhất, bằng nhu liệu hoặc mật mã chung gọi là mật mã SWIFT. Ngoài ra các dịch vụ trao đổi tài chánh còn được gọi là SWIFT Transfer hay hệ thống chuyển tiền toàn cầu. Vì là hệ thống viễn thông, SWIFT không trực tiếp chuyển tiền qua lại giữa các ngân hàng, nhưng chuyển đơn đặt hàng, thí dụ quý vị làm chủ một công ty và muốn chuyển tiền qua một công ty khác để mua hàng, hệ thống SWIFT sẽ giúp quý vị đặt đơn, với số tiền là bao nhiêu, rồi chuyển tín hiệu này sang cho quốc gia quý vị muốn mua. Ngân hàng của quốc gia đó, nhận được đơn đặt hàng, sẽ giúp giải ngân cho công ty. 

Cho đến năm 2018, có đến phân nửa nguồn giao dịch tiền bạc trên toàn thế giới đã chuyển qua hệ thống SWIFT này, bao gồm các nguồn giao dịch của Nga với thế giới bên ngoài, nhất là Nga xuất cảng hay nhập cảng hàng hóa từ các quốc gia đối tác. Cho đến nay hệ thống SWIFT, nối kết hơn 11 ngàn ngân hàng trên 200 quốc gia và khu vực, với mỗi ngày có trên 32 triệu đơn đặt hàng hay chuyển ngân. 

Do Nga tấn công Ukraine, nhiều người muốn chính phủ Hoa Kỳ cắt đứt Nga ra khỏi hệ thống giao dịch này vì sẽ gây ảnh hưởng ghê ghớm đến nguồn tiền mà Nga nhận được, nhất là nguồn thu lợi lớn nhất của Nga đến từ dầu hỏa và khí đốt, chiếm đến 40% thu nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên khi cắt Nga ra khỏi hệ thống SWIFT, cũng tạo nên những rủi ro rất lớn vì lý do, nhiều quốc gia đang mua dầu và khí đốt của Nga. Nga cũng là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất cảng lúa mì và nhiều khoáng sản quan trọng khác cho ngành sản xuất. Cắt Nga ra khỏi hệ thống SWIFT cũng đồng nghĩa, nhiều quốc gia sẽ không mua hàng của Nga được, không sản xuất được sẽ tạo ra suy thoái kinh tế. Quan trọng nhất là nguồn năng lượng do Nga cung cấp, nhất là Châu âu, nếu cắt Nga ra khỏi SWIFT, cũng đồng nghĩa là cắt đến 40% nguồn năng lượng cho châu âu và nhiều quốc gia khác, việc này sẽ gây ảnh hưởng toàn cầu. Ngoài ra, nếu cắt đứt Nga với hệ thống giao dịch toàn cầu SWIFT, Nga và nhiều quốc gia khác, có thể tạo ra một hệ thống mới, đi vòng và vượt qua sự kiểm soát chung của Hoa Kỳ và Châu âu. Đây là những lý do khiến chính phủ Biden không thể cắt Nga ra khỏi hệ thống SWIFT, mặc cho lời kêu gọi của chính phủ Ukraine và một số quốc gia chống Nga khác. 

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV