Menu

Tây Ban Nha bắt người vượt biển trái phép (xem Video)

Chỉ trong 2 ngày qua, thành phố tự trị Ceuta của Tây Ban Nha đã đón nhận hơn 8000 người di dân bất hợp pháp bơi vào đây. Mặc dù thuộc quyền quản trị của Tây Ban Nha nhưng thành phố nhỏ Ceuta lại nằm sát biên giới với nước Ma Rốc và cách Tây Ban Nha bằng một đường biển Địa Trung Hải. Nếu so sánh với Hoa Kỳ thì Ceuta tương tự như Puerto Rico, không thuộc tiểu bang nào, nhưng lại do Hoa Kỳ kiểm soát. 

Trong cuộc viễn chinh từ thế kỷ thứ 17, Tây Ban Nha đánh chiếm Ma Roc và chiếm giữ một phần lãnh thổ miền Bắc Maroc, nay là thành phố nhỏ Ceuta. Từ năm 1995, Ceuta được công nhận quyền tự trị, nhưng vẫn thuộc sự quản trị của Tây Ban Nha. Người dân Ceuta nói tiếng Tây Ban Nha với đa số theo Công Giáo. 

Sự việc bất ngờ khi hàng ngàn người trẻ Ma Rốc tìm cách vượt biên bằng đường biển để sang Tây Ban Nha xin tỵ nạn được xem là một động lực chính trị của chính phủ Ma Rốc nhằm trả đũa Tây Ban Nha sau khi chính phủ Tây Ban Nha cho phép ông Brahim Ghali, một thủ lãnh thủ lãnh phiến quân chống Ma Rốc được nhập viện để chữa trị. Ma Rốc xem hành động của Tây Ban Nha vi phạm ngoại giao giữa hai nước, vì thế thả lỏng biên giới giữa Ma Rốc và Ceuta, cho phép hàng ngàn người Ma Rốc tự do vượt biên để bơi sang Tây Ban Nha. 

Trong vài năm qua, quan hệ ngoại giao và mậu dịch giữa Ma Rốc và Tây Ban Nha đang diễn ra tốt đẹp khi Ma Rốc hợp tác với chính phủ Tây Ban Nha để ngăn chặn làn sóng di dân từ Ma Rốc tìm cách băng qua Địa Trung Hải để vào Tây Ban Nha. Trong thời điểm này, chính phủ Ma Rốc vẫn phải đương đầu với các vùng muốn tự trị và đòi độc lập, trong số này là nhân vật Brahim Ghali. 

Ông Ghali hiện là Chủ tịch của vùng tự trị mang tên Sahrawi Arab Democratic Republic, hay nước Cộng Hòa Dân Chủ Sahrawi. Sahrawi là dân tộc thiểu số gốc Ả Rập và từ nhiều thập niên qua vẫn muốn được độc lập khỏi sự cai trị của chính phủ Ma Rốc. Ông Brahim Ghali cũng là nhân vật quân sự nổi tiếng, tham gia vào các cuộc chiến đối đầu với chính phủ Ma Rốc, vì vậy, chính phủ Ma Rốc xem ông là quân phiến loạn, luôn muốn diệt trừ. Việc chính phủ Tây Ban Nha cho phép ông Brahim nhận được sự chăm sóc y tế đã khiến Ma Rốc nổi giận, gọi hành động này đã không theo đúng với thiện chí giữa hai nước nhằm giữ quan hệ ngoại giao tốt đẹp, và để trả đũa, Ma Rốc mở cửa biên giới, cho phép hàng ngàn người Ma Rốc vượt biên sang Tây Ban Nha xin tỵ nạn hoặc xin quyền cư trú hợp pháp. 

Đứng trước tình trạng làn sóng di dân bất hợp pháp đổ vào Ceuta, chính phủ Tây Ban Nha đã điều động quân đội phối hợp với lực lượng cảnh sát địa phương để ngăn chặn khoảng 8000 ngàn người Ma Rốc đi xa hơn thành phố Ceuta. Tuy nhiên trong số 8000 người Ma Rốc, có khoảng 1,500 người là trẻ vị thành niên, và theo luật định, Tây Ban Nha chưa thể trục xuất các em nếu không được sự đồng ý của bố mẹ, hoặc không có bố mẹ đi kèm. Một số trẻ vị thành niên có thể được vào cư trú ở Tây Ban Nha, nhưng khoảng hơn 5000 ngàn người còn lại, sẽ bị trục xuất về lại Ma Rốc. 

 Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV